Việc tỷ lệ trái phiếu chuyển đổi thành công chỉ đạt 30% là một con số khá thấp, khiến Quốc Cường Gia Lai khó vẫn hoàn khó trong việc huy động nguồn vốn từ trái phiếu.
Trước đó, cũng đầu tháng 7, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) kết thúc đợt phát hành trái phiếu đầu tiên trong kế hoạch phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu năm 2012.
Tuy nhiên, tỷ lệ trái phiếu bán thành công chỉ đạt 500 tỷ đồng trái phiếu, chiếm chưa đầy 17% lượng chào bán. Lãi suất chốt ở mức 14,5% trả cho năm đầu tiên.
Có 4 đơn vị tham gia mua đợt này bao gồm Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Công ty chứng khoán Ngân hàng Công Thương (Vietinbank Securities), Công ty CP Bảo hiểm Petrolimex và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam, trong đó Vietinbank tham gia mua với số lượng lớn nhất, dù con số này chưa được tiết lộ.
Việc tỷ lệ trái phiếu bán thành công của Vinacomin chưa đầy 17% cũng là một con số khá thấp, và đáng chú ý hơn những đơn vị mua trái phiếu của Vinacomin hầu hết là doanh nghiệp nhà nước. Vietinbank sở dĩ mua nhiều nhất bởi đây là đơn vị tư vấn phát hành, đồng thời là đại lý phát hành trái phiếu cho Vinacomin lần này.
Vậy vì sao thời gian qua, trái phiếu nhiều doanh nghiệp lớn, cả nhà nước và tư nhân lại ế ẩm vậy?
Việc phần lớn NĐT giữ trái phiếu của Quốc Cường Gia Lai đòi rút tiền gốc là một điều gây khó cho DN
Về trường hợp trái phiếu chuyển đổi của Quốc Cường Gia Lai, theo Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP HCM, trái phiếu chuyển đổi là loại trái phiếu mà người nắm giữ có khả năng chuyển đổi chúng thành một lượng cổ phiếu nhất định của công ty phát hành. Khi được phát hành lần đầu, các trái phiếu này đóng vai trò như một loại trái phiếu doanh nghiệp thông thường, có mức lãi suất thấp hơn một chút, thậm chí lãi suất 0%. Vì các trái phiếu chuyển đổi thường có khả năng chuyển đổi thành cổ phiếu và người nắm giữ cũng sẽ hưởng lợi từ việc tăng giá của cổ phiếu được chuyển đổi nên các công ty thường đưa ra tỷ lệ lãi suất thấp đối với các trái phiếu chuyển đổi. Nếu như công ty hoạt động kém hiệ u quả thì trái phiếu sẽ không có khả năng chuyển đổi, do đó các nhà đầu tư sẽ chỉ nhận được khoản lợi tức nhỏ bé mà trái phiếu này mang lại.
Có một số loại hình trái phiếu chuyển đổi, trong đó loại thông thường là người mua trái phiếu (hay còn gọi là trái chủ) có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu hoặc nhận lại tiền vào thời điểm đáo hạn. Tuy nhiên, có loại trái phiếu chuyển đổi đương nhiên (là loại mà trong bản cáo bạch không nhắc gì đến quyền của trái chủ trong việc rút tiền gốc khi trái phiếu đáo hạn), thì trái chủ phải đồng ý chuyển đổi thành cổ phiếu.
Trường hợp trái phiếu chuyển đổi của Quốc Cường Gia Lai là trường hợp 1, khi đáo hạn trái phiếu, người sở hữu trái phiếu có quyền chọn giữa chuyển đổi thành cổ phiếu hoặc nhận lại tiền mặt. Năm 2010, Công ty Quốc Cường Gia Lai phát hành trái phiếu chuyển đổi theo phương thức riêng lẻ cho các nhà đầu tư với giá trị 195 tỷ đồng, lãi suất 0% với kỳ hạn 2 năm. Ngày phát hành là 9/12/2010. Số tiền huy động được dùng để bổ sung vốn lưu động, hoàn thành các dự án bất động sản, phát triển thêm mảng trồng cao su... Và giờ đã sắp đến thời điểm đáo hạn nên công ty lấy ý kiến trái chủ về việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu.
Thông thường, thời điểm đáo hạn, nếu giá cổ phiếu của doanh nghiệp giảm mạnh, công ty làm ăn thua lỗ thì những nhà đầu tư đang giữ trái phiếu không dại gì đồng ý chuyển đổi thành cổ phiếu, bởi thiệt hại rất nhiều. Chỉ khi giá cổ phiếu tăng, nhà đầu tư được hưởng lợi thì họ mới đồng ý chuyển đổi sang cổ phiếu. Trong khi đó, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai liên tục sụt giảm, chỉ trong vòng 1 tháng qua, giá QCG đã giảm hơn 23%. Kết thúc năm 2011, công ty thua lỗ gần 40 tỷ đồng và tình trạng lỗ này còn kéo dài sang quý 1/2012 với mức lợi nhuận cả quý là âm 3,84 tỷ đồng. Đó là nguyên nhân khiến phần lớn nhà đầu tư muốn rút tiền mặt vào ngày đáo hạn trái phiếu. Đây là một điều gây khó cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu mà ở đây là C� �ng ty CP Quốc Cường Gia Lai, bởi ở những thời điểm khó khăn chung như hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản đều rất cần tiền mặt.
Về việc trái phiếu của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam ế ẩm đến từ nhiều nguyên nhân. Trước khi phát hành, nhiều chuyên gia tài chính đã cho rằng đợt phát hành khó có thể đạt kết quả cao. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, nguyên nhân do các nhà đầu tư đang rất lo ngại về sức khỏe tài chính của Vinacomin thời gian gần đây, việc bị hạ xếp hạng tín nhiệm quốc tế, lãi suất trái phiếu không hấp dẫn, bài học từ đợt phát hành trái phiếu của Vinashin, cộng với tình trạng khó khăn chung của nền kinh tế.
Liên tiếp trong quý II/2012, hai hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moodys và Standard &Poor's đều hạ triển vọng tín nhiệm của Vinacomin từ mức "ổn định" xuống "tiêu cực". Cả hai hãng này đều đánh giá tiêu cực về tỷ suất lợi nhuận của Vinacomin, cùng với tình trạng phụ thuộc nhiều vào vay nợ trong hoạt động kinh doanh của tập đoàn.
Moody's cảnh báo sẽ chính thức hạ xếp hạng tín nhiệm của Vinacomin nếu "xuất hiện bằng chứng về việc Vinacomin gặp khó khăn trong việc huy động vốn cần thiết để duy trì và phát triển các kế hoạch kinh doanh đang có", còn Standard &Poor's cũng cảnh báo sẽ hạ tín nhiệm nếu tình hình thanh khoản của tập đoàn xấu đi.
Thực ra đây không phải lần đầu Vinacomin gặp khó trong việc huy động vốn qua kênh trái phiếu. Từ năm 2010, Vinacomin đã chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế, song đợt chào bán gần như thất bại hoàn toàn.
Bên cạnh đó, lãi suất trái phiếu chỉ ở mức 14,5%/năm cũng không phải là con số hấp dẫn với các nhà đầu tư. Mức này chỉ hấp dẫn khi yếu tố rủi ro thấp, còn trong trường hợp nhà đầu tư đang lo ngại nhiều rủi ro từ hoạt động của doanh nghiệp thì mức lãi suất phải cao hơn mới lôi kéo được họ.
No comments:
Post a Comment