Ông Trần Thắng đã tặng cho Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng 150 bản đồ (gồm 110 bản đồ gốc và 40 bản đồ tái bản). Đây là những bản đồ được xuất bản ở Anh, Ðức, Úc, Canada, Mỹ và Hong Kong trong thời gian 1626-1980, trong đó có 80 bản đồ ghi nhận lãnh thổ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam; 50 bản đồ thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm sát lãnh thổ VN; 10 bản đồ hàng hải và 10 bản đồ tổng thể châu Á và Đông Nam Á có thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong vùng lãnh hải của Việt Nam.
Không tìm thấy chứng cứ chủ quyền về Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc trên tấm bản đồ đánh giá (trữ lượng) nhiên liệu và năng lượng do chính cơ quan có chức năng của Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa công bố, xuất bản (1980)
Thứ nhất là Aslat of the Chinese Empire - Trung Quốc địa đồ, xuất bản năm 1908 bằng tiếng Anh, Đây là atlas chính thức, được in lần đầu tại Trung Quốc với số lượng có hạn, do The China Inland Mission có trụ sở ở Thượng Hải, London, Philadelphia, Toronto và Melbourne biên soạn và phát hành với sự trợ giúp của Tổng cục Bưu chính của nhà Thanh triều và sự trợ giúp kỹ thuật của người Anh tên là Edward Stanford. Atlas này gồm một Index map (bản đồ tổng thể) vẽ toàn bộ lãnh thổ và 22 bản đồ các tỉnh của Trung Quốc.
Thứ hai là atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ, kích thước 61cm x 71cm, do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa dân quốc xuất bản lần đầu vào năm 1919 ở Nam Kinh. Atlas này in bằng ba ngôn ngữ: Trung - Anh - Pháp, gồm một Index map và 46 bản đồ các tỉnh của Trung Quốc đương thời. Atlas này đã được một người chơi cổ ngoạn ở Ba Lan rao bán. Sau nhiều lần mặc cả, cuối cùng Trần Thắng đã mua được atlas này. Đây là atlas quan trọng rất quý mà ông Trần Thắng trao tặng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng.
Bộ thứ ba được chuyển nhượng lại cho UBND huyện Hoàng Sa đó là Atlas Postal de Chine – Trung Hoa bưu chính dư đồ - Postal Atlas of China, do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa dân quốc tái bản tại Nam Kinh năm 1933. Atlas này cũng in bằng ba thứ ngôn ngữ: Trung - Anh - Pháp, nội dung có một số điều chỉnh cho phù hợp với địa lý hành chính của Trung Quốc lúc bấy giờ. Atlas gồm một Index map và 29 bản đồ các tỉnh, kể cả Tây Tạng và Mông Cổ.
Bộ bản đồ và atlas do ông Trần Thắng tặng cho Viện Nghiên cứu Phát Triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng có nhiều ý nghĩa về lịch sử và càn chứng tỏ Hoàng Sa Và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Đây là đợt tiếp nhận thứ hai các tấm bản đồ và Atlas do ông Trần Thắng (một Việt kiều Mỹ) sưu tầm, mua lại và tặng Viện Nghiên cứu phát triển KTXH Đà Nẵng.
Theo ông Trần Thắng, tổng chi phí cho việc mua 3 sách atlas và 150 bản đồ khoảng 13.000 USD, trong đó UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) đóng góp 3.000 USD, những Việt kiều tại Mỹ đóng góp 5.000 USD, số còn lại do ông tự nguyện đóng góp.
Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng - cho biết theo suốt dòng lịch sử, từ tấm bản đồ xuất hiện từ đời nhà Thanh cho đến Trung Hoa Dân Quốc và gần đây nhất, bản đồ đánh giá (trữ lượng) nhiên liệu và năng lượng do chính cơ quan có chức năng của Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa công bố, xuất bản (1980) cũng không hề thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ và chủ quyền Trung Quốc. Trên tấm bản đồ này, biên giới chủ quyền trên biển của Trung Quốc đã được xác định rất rõ: chỉ đến đảo Hải Nam.
Ngoài ra, Tiến sĩ Sơn cho biết ông và đồng nghiệp sẽ tiến hành thẩm định giá trị lịch sử của những tấm bản đồ này, sau đó sẽ chọn lọc những bản đồ nào có giá trị lớn nhất đem trưng bày để mọi người được xem và được biết trong thời gian sớm nhất./.
Nguồn: Hải Hà
Trích: giaoducthoidai.vn
Trích: giaoducthoidai.vn
No comments:
Post a Comment