Quảng Cáo


Breaking News

Tuesday, August 13, 2013

Hòa nhập tức thì "người rừng" sẽ sốc

Ha nhp tc th ngi rng s sc

Hòa nhập tức thì "người rừng" sẽ sốc

“Xét về góc độ tâm lý, khi người ta sống quá lâu trong môi trường hoang dã, ngôn ngữ không có, tư duy sẽ khác hẳn, thậm chí không hình thành trên não bộ...”, PGS.TS Trương Thị Khánh Hà nhấn mạnh.
Nên để họ sống trong môi trường cũ
Việc cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh (81 tuổi) và Hồ Văn Lang (41 tuổi) ở Tây Trà, Quảng Ngãi đòi được trở lại rừng sau khi được chính quyền địa phương cùng người thân đón về cộng đồng ít ngày đang gây sự chú ý của dư luận.

Trao đổi với PV Báo điện tử Infonet chiều 12/8 về vấn đề này,  PGS. TS Trương Thị Khánh Hà, Chủ nhiệm khoa Tâm Lý học, Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng đây là hiện tượng rất hiếm gặp.

Bà Hà cho biết: Đối với hai cha con “người rừng” thì việc thích ứng với cuộc sống hiện đại, môi trường mới đối với người con sẽ rất khó khăn, vì người con hầu như trưởng thành ở trong rừng suốt 40 năm qua.
Anh Hồ Văn Lang (41 tuổi) đã ở trong rừng suốt 40 năm.
“Theo tôi, nên để cho họ được sống trong môi trường cũ, vì họ đã khá quen thuộc với môi trường này, tuy nhiên cần tạo cơ hội cho họ bằng cách giúp họ có một nhà chòi ở trên cây tốt hơn, kiên cố hơn, tạo điều kiện cho họ có cuộc sống đỡ vất vả và thỉnh thoảng người thân đến thăm hỏi, chăm sóc. Ngoài ra, cần có biện pháp bảo vệ họ một cách nhất định, cấp cho họ thêm  quần áo, đồ ăn, có bác sỹ đến thăm khám và các nhà khoa học cũng có thể đến vừa giao lưu, vừa để nghiên cứu nữa, vì đây cũng là một hiện tượng rất hiếm gặp”, bà Hà nêu quan điểm.

Bà Hà cho biết, trên thế giới cũng đã có nhiều trường hợp trẻ em bị lạc ở trong rừng, trong sách vở cũng đã đề cập rất nhiều, tuy nhiên, trường hợp cha con “người rừng” ở Quảng Ngãi đã sống trong rừng suốt 40 năm rồi, đây quả là quãng thời gian khá dài nên không phải một sớm một chiều có thể hòa nhập được ngay với cộng đồng mà cần có thời gian để thích ứng dần.

Theo bà Hà, môi trường sống hiện tại là rất bình thường đối với mỗi người trong chúng ta, nhưng lại không bình thường với cha con ông Hồ Văn Thanh. Bởi suốt 40 năm họ gắn bó với rừng, tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, ngay cả tiếng dân tộc Cor của họ còn nói chưa sõi nên sự hòa nhập tức thì sẽ gây sốc đối với họ.

Chúng ta có thể đưa họ về dần với cộng đồng qua những đợt về thăm quê, để cha con họ khám phá thêm cuộc sống của xã hội hiện đại. Tuy nhiên, về lâu dài nếu như các nhà tâm lý và các nhà khoa học đến tìm hiểu quan sát, nghiên cứu thấy họ tha thiết, mong muốn được quay về chốn cũ, thì cũng nên tôn trọng ý kiến của họ. Ngay cả việc người thân của cha con “người rừng” mong muốn gia đình được đoàn tụ, nhưng họ không hiểu được về cơ chế tâm lý và yếu tố tác động của hai cha con “người rừng”. Một khi cảm xúc và tâm trạng của hai cha con “người rừng” không thoải mái sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí họ sẽ suy sụp dẫn đến điều gì đó bất bình thường.

“Qua báo chí tôi cũng biết khi thấy trời mưa thì người con là anh Hồ Văn Lang (41 tuổi) theo bản năng đã cởi quần áo để đứng tắm mưa một cách thích thú, điều đó cũng thể hiện phần nào cuộc sống hoang dã suốt 40 năm qua đối với hai cha con họ”, bà Hà phân tích.

Bà Hà đưa vấn đề, nếu hai xã hội tương đồng nhau thì rất dễ hòa nhập, ví như từ nông thôn ra thành thị, thành thị về nông thôn, nhưng ở trường hợp này môi trường sống khác nhau quá nhiều thì sẽ rất khó cho họ. Cũng giống như ông bà mình ra thành phố không quen, muốn trở lại quê thì chúng ta cũng phải tôn trọng để cho họ về quê.

Cần có thời gian để thích ứng

Theo bà Hà, trong hai cha con “người rừng” thì ông bố có thể thích nghi với môi trường mới, nhưng đối với người con thì không thể, vì đứa con vào rừng từ lúc 1 tuổi và đã ở trong rừng quá lâu, suốt 40 năm, cho nên người con rất khó khăn để thích nghi. Trường hợp nếu đưa người con trở về thì phải có những chuyên gia đặc biệt để thường xuyên quan sát, theo dõi chăm sóc, chứ không thể ép họ quen ngay với môi trường, cuộc sống mới.

“Có thể qua những hành vi như thấy trời mưa tức thì người con cởi bỏ hết quần áo đang mặc trên người để đứng tắm mưa, đó là hành động khác biệt của họ, tạo cho mọi người thấy anh ấy như một người tâm thần hay điên chẳng hạn, vì sống trong môi trường rừng rú lâu như vậy cho nên chất hiện đại, chất người, xã hội trong họ rất ít, và sẽ rất khó khăn để thích ứng”, bà Hà phân tích.

Hai cha con "người rừng", ông Hồ Văn Thanh (81 tuổi) và con trai Hồ Văn Lang (41 tuổi).
Ở trên thế giới cũng đã có nhiều trường hợp đưa người rừng về với cuộc sống hiện đại, dạy cho họ cách thích ứng với môi trường mới, của xã hội loài người, nhưng cũng chỉ mấy năm sau họ lại không thể thích ứng được, tạo ra khó khăn đối với người thân và chính quyền.

Việc hai cha con “người rừng” ở Quảng Ngãi sống suốt 40 năm ở trong rừng, tự cung tự cấp là hiện tượng rất đặc biệt, cho nên sẽ có nhiều dữ liệu tốt cho việc nghiên cứu khoa học. Các tổ chức, nhà khoa học nên đầu tư nghiên cứu về văn hóa và nhân sinh học, tâm lý học để có kết luận chính xác về hiện tượng này.

“Xét về góc độ tâm lý, khi người ta sống quá lâu trong môi trường hoang dã, ngôn ngữ cũng không có, tư duy sẽ khác hẳn thậm chí không hình thành trên não bộ, các trung tâm thích ứng với môi trường tự nhiên phát triển rất mạnh và họ giỏi về vấn đề ấy, nhưng những trung khu thích ứng với xã hội hiện đại của họ đã bị teo dần”, bà Hà nhấn mạnh. 

Bà Hà ví dụ cụ thể, trung khu ngôn ngữ của họ đã teo dần, ngay cả việc thích ứng với những ký hiệu hiện đại như đèn xanh, đèn đỏ, bật ti vi, cho họ tiếp xúc làm quen với trải nghiệm mới cùng một lúc, họ sẽ không thích ứng được nhiều và sẽ rất mệt cho bộ não. Vì vậy, chính quyền và gia đình hãy tạo điều kiện cho hai cha con “người rừng” thích ứng dần với cuộc sống hiện đại để họ có thời gian hòa nhập một cách tự nhiên.
TS. Nguyễn Văn Long, Phó giám đốc Trung tâm thông tin, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết: "Để hai cha con “người rừng” thích nghi được với cuộc sống hiện đại của cộng đồng, theo tôi nên chuyển chỗ ở của họ từ rừng sâu ra ở khu rừng gần khu dân cư hơn và làm cho họ một cái chòi chắc chắn, để họ vẫn được lao động sản xuất như trước đây, rồi người thân cũng như cộng đồng thường xuyên đến thăm hỏi, chuyện trò, hỗ trợ lương thực, thuốc men, đài radio để họ được thích nghi dần. Khi họ đã quen thì việc hòa nhập cộng đồng của cha con “người rừng” sẽ trở nên dễ dàng hơn, không phải gượng ép mà lúc đó họ sẽ tự hòa nhập".

No comments:

Post a Comment

Designed By Published.. Blogger Templates