Khổ vì trí tuệ hay là bi kịch của Hamlet của William Shakespears
1. Không hiểu vì sao, cho đến nay ở nước ta, trong hầu hết sách giáo khoa, giáo trình của các trường cao đẳng, đại học có đào tạo môn văn vẫn tiếp tục tồn tại một cách lí giải không mấy thuyết phục về bi kịch Hamlet của William Shakespeare (1564 - 1616). Trong các sách giáo khoa, giáo trình ấy, nhân vật Hamlet được phân tích như một mẫu mực của sự hoàn thiện. Hamlet là sự gắn bó hữu cơ giữa con người trí tuệ và con người hành động. Đó là hình tượng kì vĩ, là con người khổng lồ của thời đại Phục hưng .
Đây cũng là cách phân tích từng thống trị nhiều năm trong nghiên cứu, phê bình ở Liên-Xô trước kia. Phân tích như thế là lí tưởng hoá Hamlet một cách thái quá, khiến người ta không hiểu được đâu là bi kịch Hamlet, vì sao gọi Hamlet của Shakespeare là tác phẩm thể hiện sự tan vỡ của lí tưởng nhân văn. Sinh thời, C. Marx đã từng đấu tranh chống lại mọi ý đồ đẽo gọt Hamlet, nặn ra một Hamlet “mà trong đó không những không có nỗi buồn thê lương của chàng hoàng tử Đan Mạch, mà ngay cả chàng hoàng tử Đan Mạch này cũng không có nốt” . Vậy Hamlet là người như thế nào? Viết Hamlet, Shakespeare muốn nói với ta điều gì? Phải đặt tác phẩm vào mảnh đất lịch sử mà nó đã sinh ra mới hi vọng trả lời được những câu hỏi ấy.
2. Hamlet của Shakespeare ra đời vào năm 1601. Tác phẩm mở ra cả một thời đại phát triển mới của bi kịch. Trước đó, Shakespeare chủ yếu viết hài kịch và kịch lịch sử. Những vở kịch này đã vạch trần sự tàn bạo, thối nát của chế độ phong kiến lỗi thời. Có điều, khi đấu tranh chống lại những tàn dư của chế độ phong kiến, cũng như những nhà nhân văn chủ nghĩa khác, Shakespeare vẫn tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của xã hội. Nhưng từ những năm 90 của thế kỉ XVI, tình hình nước Anh bắt đầu thay đổi. Chính thể chuyên chế từng giữ vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh chống lại tình trạng phong kiến cát cứ, ngày càng trở nên thối nát, đốn mạt. Giai cấp thống trị bộc lộ bản chất phản nhân dân của nó. Những tệ nạn thời trung cổ được hồi sinh dưới những hình thức còn khủng khiếp hơn trước rất nhiều. Quan điểm xã hội và triết học của Shakespeare vì thế cũng trở nên phức tạp. Ông nhận ra những mâu thuẫn của chế độ chuyên chế tư sản. Ông muốn phân tích, khám phá bản chất của những mâu thuẫn ấy. Và sáng tác của Shakespeare đã phản ánh một cách thiên tài toàn bộ sự lạc điệu của đời sống xã hội đương thời.
Trước khi bi kịch Hamlet ra đời, Shakespeare đã có Giuliut Xeda (1599). Hệ thống nhân vật trong tác phẩm này được chia thành hai tuyến: bên này là các chiến sĩ Cộng hoà La Mã chống lại bên kia là vua Xeda cùng toàn bộ chế độ quân chủ do y dựng nên. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ tự do, các chiến sĩ Cộng hoà đụng độ với một sức mạnh dường như không gì bẻ gẫy nổi. Dù có nhiều phẩm chất cá nhân của những trang tuấn kiệt, những đấng quân tử, những bậc anh hào, các chiến sĩ Cộng hoà vẫn lần lượt bị đàn áp, đè bẹp bởi bước đi lên tất yếu của lịch sử. Có thể thấy, các tuyến nhân vật trong Giuliut Xeda đã phản ánh một tương quan lực lượng xã hội kiểu mới. Xung đột lịch sử này đã hé lộ ánh sáng để ta hiểu Hamlet và cái mà Shakespeare muốn nói qua bi kịch này.
Phần mở đầu bi kịch Hamlet cũng chính là phần mở ra một tình thế lịch sử. Ấn tượng đầu tiên mà nó mang lại khi ta xem vở kịch là sự lo âu, kinh hoàng, là linh cảm về những biến động dữ dội rồi sẽ xẩy ra. Việc hồn ma xuất hiện đã làm nổi bật bầu không khí bao trùm đất nước Đan Mạch. Cả đất nước sống trong lo âu, sợ hãi. Hoàn cảnh rất bất lợi. “Có cái gì đang thối nát trong đất nước Đan Mạch này”. “Hồn ma hiện lên có ý gì, tôi chẳng rõ, nhưng đại khái theo chỗ tôi hiểu thì đây là điều báo trước một tai họa kinh hoàng cho đất nước ta” (lời Horalio).
Quả là những gì đang xẩy ra trong tác phẩm Hamlet có liên quan tới những vấn đề trọng đại mang tầm cỡ quốc gia. Vua Đan Mạch Claudius và cả triều đình của y hiệp lực, du lại với nhau thành một liên minh ma quái. Mình Hamlet phải đương đầu với cả khối liên minh ma quái ấy. Hamlet thực sự trở thành kẻ đơn độc. Hoàn cảnh, không khí vây bủa quanh Hamlet thù địch với Hamlet biết dường nào!
3. Đã hơn bốn trăm năm nay, nhân loại mải miết đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Hamlet là người thế nào? Để giải đáp câu hỏi ấy, người ta thường bắt đầu bằng việc tìm lời giải đáp cho một câu hỏi khác: Hamlet đã chống lại hoàn cảnh ra sao?
Ai cũng biết là Shakespeare không bịa ra cốt truyện cho vở bi kịch. Kịch bản của Shakespeare phỏng theo một truyện dân gian Đan-Mạch, được thầy tu Saxo Grammaticus sao chép lại từ ba thế kỷ trước (vào quãng năm 1200); đến năm 1572, nhà biên soạn Pháp tên là Louis de Belleforest dựa vào đó mà viết Câu chuyện bi thảm thứ năm trong tập truyện của ông. Có thể tóm tắt nội dung như sau: Chú Amleth giết cha chàng rồi đoạt lấy ngôi vua. Amleth thông minh và khôn ngoan đã giả vờ điên để đánh lừa chú và triều thần. Cuối cùng, Amleth giết được chú và khôi phục ngai vàng. Đây là cốt truyện hết sức phổ biến dưới thời trung cổ được truyền bá trong dân gian xứ Dớt-lan, nó phản ánh chế độ dã man xa xưa.
Ta còn biết một vở bi kịch nữa về hoàng tử Hamlet. Tác phẩm không còn, nhưng tác giả của nó chắc chắn là Thomas Kit, người thuộc thế hệ đàn anh của Shakespeare. Kit đã viết một vở bi kịch trả thù đẫm máu. Mở đầu tác phẩm cũng có hồn ma hiện về. Hồn ma kể lại cho bạn bè hay những người họ hàng gì đấy là mình bị những kẻ phản bội giết chết. Một người họ hàng hay người bạn gì đấy đã trả thù cho người bị giết .
Do Shakespeare đã vay mượn cốt truyện có sẵn để viết Hamlet, nên nhiều người từng cho rằng, tác phẩm của ông cũng chỉ xoay quanh chủ đề trả thù. Ngày nay không ai hiểu một cách đơn giản như thế. Nhưng cũng không thể phủ nhận, trả thù là một trong những đề tài hết sức quan trọng trong Hamlet của Shakespeare. Có đến ba nhân vật được đặt trước nhiệm vụ trả thù. Thứ nhất là hoàng tử Na Uy, Fortinbras. Chàng phải trả thù cho cha, người đã bị Hamlet phụ vương giết chết. Fortinbras từ chối nhiệm vụ này. Chàng khởi hành sang Ba Lan để chiếm một mảnh đất mà chẳng ai cần đến. Thứ hai là Laertes. Khác với Fortinbras, Laertes đã làm tất cả để trả thù cho cha. Hắn xông vào Hamlet lúc gặp chàng ngoài nghĩa địa. Hắn thách đấu với Hamlet rồi tẩm thuốc độc vào kiếm với ý đồ phải giết cho bằng được kẻ thù của mình. Cuối cùng là Hamlet. Hamlet đứng vào quãng giữa giữa hai nhân vật trên. Hamlet thề với hồn ma sẽ trả thù, nhưng sau đó chàng luôn luôn trì hoãn công việc này. Hamlet là nhân vật lí trí, là con người trí tuệ. Đây là điều hết sức quan trọng. Biến nhân vật trả thù thành nhân vật trí tuệ, Shakespeare đã sáng tạo ra một kiệt tác có ý nghĩa xã hội vô cùng lớn lao.
Tại sao Hamlet trì hoãn việc trả thù? Hình như bất kì nhà Shakespeare học nào cũng đặt ra câu hỏi như thế.
Phê bình lãng mạn thế kỉ XVIII cho rằng, Hamlet trì hoãn trả thù vì con người này có tâm hồn yếu đuối. Đặt nhiệm vụ trả thù lên vai Hamlet chẳng khác gì đem cây đại thụ trồng vào chậu cảnh, rốt cuộc chậu vỡ, cây chết. Bielinski và phê bình Nga, phê bình Đức thế kỉ XIX lại khẳng định, Hamlet là một hiệp sĩ, đại diện của đẳng cấp cao nhất thời trung cổ. Chàng có cả một bầu máu nóng sục sôi hành động và một cánh tay mạnh đủ sức san phẳng mọi bất bình . Cho nên, Hamlet trì hoãn trả thù không phải vì bản chất yếu đuối. Mỗi lần Hamlet trì hoãn đều có một lí do chính đáng. Chẳng hạn, nghe xong lời của hồn ma, Hamlet liền bắt tay hành động. Việc làm đầu tiên của Hamlet là buộc sĩ quan và binh lính có mặt ở đó phải tuyên thệ. Rồi Hamlet quyết định giả điên. Chàng làm như thế không phải là không có sự tính toán. Hamlet nghĩ cách trả thù. Muốn thế, Hamlet phải làm sao để kẻ thù không xem chàng là kẻ đáng sợ. Giả điên là cách tốt nhất để tránh sự nghi ngờ. Với kẻ điên, người ta chỉ có thể thương hại hoặc chẳng xem ra gì. Hamlet còn bịa ra một màn kịch diễn cho vua xem. Chàng phải kiểm tra lại những điều hồn ma báo cho biết. Hamlet quả là người biết lập luận chặt chẽ và tính toán kĩ lưỡng trước mọi công việc. Hamlet muốn khám phá mối quan hệ đích thực giữa mình và hồn ma. Trong quan niệm của Hamlet, trả thù không đơn giản là chém giết, lấy máu đền máu. Biết chắc vua mới là kẻ có tội, Hamlet không giết hắn, vì thấy hắn đang cầu kinh. Giết một người đang cầu kinh cũng có nghĩa là đưa hắn lên thiên đường. Trong khi đó, Hamlet nhất quyết buộc kẻ phản bội phải xuống địa ngục. Nghị lực và khả năng hành động của Hamlet thể hiện rõ nhất trong chuyến qua Anh quốc. Người ta đưa Hamlet qua Anh để mượn tay vua Anh giết Hamlet. Hamlet đánh tráo thư, biến Rosencranlz và Guildenstern thành những kẻ thế mạng. Hamlet chuyển qua tàu khác rồi trở về Đan Mạch. Hamlet không chỉ có sức mạnh, có nghị lực và khả năng hành động. Chàng có cả khả năng hành động một cách khôn khéo, thậm chí “tráo trở”. Nghĩa là chân lí hoàn toàn thuộc về những ai khẳng định bản chất mạnh mẽ và khả năng hành động của Hamlet.
Vậy tại sao Hamlet không trả thù? Xem ra, muốn giải đáp câu hỏi ấy, phải tìm hiểu bản chất trí tuệ và quan niệm của Hamlet về cuộc đời, chứ không thể loanh quanh với chuyện Hamlet có, hay không có khả năng hành động.
Là hoàng tử, dĩ nhiên Hamlet thuộc về đẳng cấp cao nhất của xã hội quý tộc. Nhưng nhờ được giáo dục, dạy giỗ trong trường đại học, Hamlet còn là gương mặt tiêu biểu cho lớp người tiên tiến của thời đại Phục hưng, đầu óc thấm đẫm những tư tưởng nhân văn. Hamlet chia xẻ niềm vui với nhân loại vừa thoát khỏi ngục tù của chế độ trung cổ. Trước mắt Hamlet là cả một viễn cảnh huy hoàng, con người trở thành trung tâm của vũ trụ, ngày càng hoàn thiện, rạng rỡ. Hamlet nhìn đời bằng đôi mắt tràn trề tinh thần lạc quan. Vậy mà, trở về Đan Mạch, Hamlet phải chạm trán ngay với một thực tại qúa phũ phàng. Đâu đâu cũng có cảnh rượu chè, thô bỉ. Cuộc đời quá ư ô trọc. Hamlet vô cùng kinh hoàng trước sự dối trá, thói giả nhân giả nghĩa nghiễm nhiên ngự trị khắp chốn cung đình. Cái gì cũng khiến Hamlet phải thất vọng. Hamlet thất vọng vì thấy cuộc hôn nhân quá vội vàng của mẹ. Rồi những kẻ từng là bạn của Hamlet từ thuở ấu thơ nay thành lũ tay sai chuyên rình mò lo lỏm. Nhìn thấy Claudius và Polonius đứng sau lưng Ophelia, Hamlet quả quyết, cả Ophelia cũng đang âm mưu chống lại chàng.
Không phải Hamlet chỉ giả vờ điên. Tâm hồn Hamlet đã bị chấn động dữ dội. Cái vẻ ngoài điên dại của Hamlet rất hợp với nội tâm đang bị chấn động dữ dội của nhân vật. Trong bi kịch của Shakespeare có rất nhiều nhân vật điên. Lear điên. Macbet điên. Ophelia điên. Nhân loại phải trải qua những biến động dữ dội quá! Trước mắt những con người vừa thoát khỏi tình trạng tù túng, trì trệ của thời trung cổ là cả cái bể khôn cùng của những tội ác, lừa đảo, bội bạc. Trí tuệ của họ không chịu đựng nổi. Nhiều người hoá điên là vì thế.
Shakespeare đã để cho những chấn động trong tâm hồn Hamlet diễn ra trùng khớp với bước ngoặt lớn trong cuộc đời một con người. Đó là bước ngoặt chia đôi thời niên thiếu và tuổi trưởng thành. Vĩnh biệt thời ấu thơ bằng lặng, đang thấy đời toàn một màu hồng, bước sang tuổi trưởng thành, Hamlet bỗng nhận ra một thế giới đầy tà nguỵ, ma quái. Những điều mới được phát hiện lập tức trở thành quan niệm bất di bất dịch của Hamlet về con người, hoá thành thứ chủ nghĩa hoài nghi cực đoan nhất. Hamlet không đứng trên, đứng ngoài đám đông, cũng không có ý lấy cá nhân mình làm trung tâm để đối lập với đám đông ấy. Hamlet không chỉ ngờ vực người khác, mà còn hoài nghi chính bản thân mình. Hamlet thú nhận, mình là người hay kiêu ngạo, tự mãn. Chàng vừa thất vọng về người đời, vừa thất vọng về bản thân. Hamlet nghi ngờ cả người đang sống, lẫn những kẻ chưa kịp đầu thai làm kiếp người. Hamlet khuyên Ophelia đi tu chứ đừng lấy chồng để khỏi sinh ra những đứa con tội lỗi.
Hamlet không chỉ suy ngẫm về tội ác của vua mới. Hamlet nghĩ tới những vấn đề còn hệ trọng hơn nhiều. Có một cái gì đó đang chuyển dịch. Trật tự, kỉ cương cũ đã hoàn toàn đổi thay. Cái ác thắng thế và hoành hành khắp mọi nơi. Hamlet nhận ra “cuộc đời khốn kiếp”, “thời đại đảo điên tan tác”, “thế giới là một nhà tù, mà Đan Mạch là nhà tù ghê tởm nhất”, và “Ôi, ác nghiệt thay, tôi lại sinh ra để chữa khớp xương cho thời đại”.
A.I. Ghersen (1812 - 1870), nhà dân chủ - cách mạng lỗi lạc người Nga, nhận xét như thế này: Hamlet sống vào thời đại, lúc mà những kẻ tầm thường, nhỏ nhen đến thế chỗ cho những nhân cách lớn, những con người khổng lồ . Shakespere cũng để cho Hamlet nghĩ như vậy. Hamlet rất hay so sánh hai ông vua: vua cha - Hamlet phụ vương và kẻ kế thừa ông ta, chú chàng. Vua cũ là võ tướng, là hiệp sĩ anh hùng mã thượng. Hamlet ca ngợi lòng dũng cảm của vua cha. Đó là lòng dũng cảm của thời trung cổ. Vua phải là người quả cảm, trung thực, mọi hành vi đều nhất nhất tuân theo những tín điều gia trưởng và chỉ dừng lại ở đấy. Vua mới, Claudius, hoàn toàn khác. So với Hamlet phụ vương, Claudius là “một con cóc, một con cú, một con dơi”. Claudius là con người kiểu mới: khôn ngoan, sắc sảo và tráo trở. Thời đại Phục hưng đã giải phóng hắn ra khỏi những định kiến gia trưởng. Thoát khỏi những định kiến đó, hắn vứt bỏ luôn đạo đức gia trưởng vốn là cái không thể thiếu được đối với Hamlet phụ vương. Rốt cuộc, hắn là “một tên vua hề, một thằng ăn cắp ngai vàng và quyền uy, xoáy trộm vương miện trên giá cao đút vào túi áo”. Claudius là người cầm quyền khôn khéo và thận trọng. Hắn làm tất cả để nâng cao địa vị của Đan Mạch. Củng cố quốc gia là một tất yếu lịch sử. Nhưng Claudius đã làm điều đó thông qua những hoạt động đen tối và bẩn thỉu, thông qua đàn áp tự do tư tưởng của mọi người. Hắn tệ hại hơn anh hắn rất nhiều. Sự tráo trở, bội bạc, tàn ác ở hắn thể hiện sự băng hoại của toàn bộ đạo đức cũ.
Hamlet nói: “Ta làm gì có tương lai”. Khi nói như vậy, Hamlet không nghĩ tới quyền kế vị ngai vàng đã bị cướp mất, mà nghĩ tới những vấn đề còn lớn lao hơn nhiều. Trước Hamlet không chỉ có một Claudius mà là cả một thế giới đảo điên. Sự đểu cáng, tráo trở của Claudius không phải là ngoại lệ. Bên cạnh hắn còn có một Polonius bợ đỡ, nịnh hót, một Osric tầm thường, giả dối và một lũ một lĩ những Rosencranlz, Guildenstern chuyên rình mò lo lỏm. Cả bọn họp thành một thế giới ô trọc vây quanh Hamlet.
Hamlet hiểu rõ đến chân tơ kẽ tóc cái thế giới đang vây bủa quanh mình. Trí tuệ của Hamlet thấm rất sâu vào thế giới ấy. Sau khi phân tích kĩ thực tại, Hamlet rút ra những kết luận hoàn toàn vô vọng. Hamlet cho rằng, dù có giết vua mới, trả thù thật đích đáng với tội ác của y thì cũng không giải quyết được vấn đề gì.
Hamlet là con người trí tuệ, một trí tuệ luôn luôn phân tích và suy nghĩ. Chính hoạt động phân tích và suy nghĩ làm tê liệt ý chí của Hamlet. Hamlet cũng thú nhận như thế: “Thế là những suy nghĩ đã biến chúng ta thành những thằng nhát như cáy”. Cho nên, qua Hamlet, Shakespeare muốn giải quyết đề tài trí tuệ, chứ không định viết “một bài thơ tán dương sự đấu tranh”, như nhiều người đã lầm tưởng.
4. Đề tài trí tuệ là một trong những đề tài quan trọng nhất của thời đại Phục hưng. Hầu hết các nhà tư tưởng lớn của thời Phục hưng đều ít hay nhiều đụng chạm tới đề tài này. Có lẽ đó là cái cách tốt nhất để họ nhận thức về thời đại của mình chăng? Giải quyết đề tài trí tuệ, Shakespeare góp một tiếng nói vào việc nhận thức, khám phá hiện thực đời sống, mang đến cho bi kịch những giới hạn mới, khả năng mới.
Thời Phục hưng, các nhà tư tưởng thường suy ngẫm về thế giới theo tinh thần của chủ nghĩa nhân bản trừu tượng. Họ xem con người là trung tâm của vũ trụ. Họ bàn về bản chất người, tính cách người và về con người muôn thuở. Nói về trí tuệ, họ không có cách nào khác ngoài việc lấy cái dại để soi sáng cái khôn, đem cái trí đặt cạnh cái ngu, lấy sự thông thái đối lập với sự u mê, tăm tối. Đó là kết quả của lối tư duy kinh nghiệm, siêu hình. Về mặt này, các nhà tư tưởng Phục hưng phần nào đã kế thừa những tư tưởng trong sáng tác dân gian thời hậu kì trung cổ. Có thể kể ra hàng trăm, hàng ngàn truyện cổ dân gian, trong đó nhân vật chính là những chàng ngốc, thằng đần. Qua hình tượng thằng ngốc, tác giả dân gian muốn dựng lên những đại diện khác nhau của xã hội trung cổ, đặc biệt là giới tu sĩ và cha cố. Họ là loại người được học hành, có chữ nghĩa, mũ cao áo dài, nhưng đại ngu. Hình tượng thằng ngốc còn có một ý nghĩa khác. Thằng ngốc là kẻ không được học hành, một anh nông dân nhìn bề ngoài có vẻ ngốc, nhưng lại hết sức khôn ngoan, thông thái, thông thái một cách độc đáo. Đó là đại diện của nhân dân. Cho nên, thằng ngốc nhiều khi thông thái hơn cả những hiền nhân quân tử, hơn cả bọn mũ cao áo dài, chữ nghĩa bề bề.
Cái ngu và sự ngu ngốc được bàn đến ở nhiều mức độ khác nhau trong trước tác của Sebastian Brant (1427 - 1521), Érasme de Rotterdam (1469 - 1536), Michel Euquem de Montaigne (1533 - 1592), Francis Bacon (1561 - 1626). Chắc chắn là Shakespeare có quen biết một vài người trong số họ (Montaigne chẳng hạn). Bài viết này không có ý định phân tích ảnh hưởng của các nhà tư tưởng trên đến Shakespeare. Cái mà chúng tôi muốn nói ở đây chỉ là, rất nhiều nhà văn, nhà tư tưởng thời Phục hưng đều không thể bỏ qua đề tài trí tuệ.
Đề tài trí tuệ và sự ngu ngốc được Érasme thể hiện một cách sâu sắc và lí thú trong tác phẩm nổi tiếng Ca ngợi phu nhân Rồ Dại (L’Éloge de la Folie). Érasme chia cái ngu ngốc thành hai loại. Thứ nhất: ngu ngốc, rồ dại là sự phản ánh tình trạng hủ lậu, dã man, phản nhân văn của xã hội trung cổ. Thứ hai: cái dại, cái ngu còn là chất men không thể thiếu được của cuộc đời. Thiếu tí gia vị của sự ngu ngốc sẽ chẳng còn đâu là bè bạn, bằng hữu, chẳng còn đâu là tình yêu, chồng vợ. Bản thân việc “sản xuất” ra con cái là kết quả của một trò chơi ngu ngốc, rồ dại. Nhờ cái trò chơi ngu ngốc và nực cười ấy mà bao nhiêu hiền nhân, quân tử được sinh ra trên cõi đời này. Để còn là con người, để được đứng trong hàng ngũ của con người, cần tránh sự thông thái. Bởi vì, toàn bộ đời sống xã hội sở dĩ có được chính là nhờ ở sự ngu ngốc. Thằng ngốc làm mọi việc ở đời. Việc gì ở đời cũng đều làm cho những thằng ngốc, vì những thằng ngốc. Chính sự ngu ngốc đã dựng nên quốc gia, sinh ra toà án, đẻ ra chính quyền và cả tôn giáo... Cả cuộc đời là trò chơi của sự ngu ngốc. Érasme gọi tất cả những ai muốn phá vỡ tấn hài đời chung ấy là kẻ gàn dở. Sống tức là cùng đám đông lầm lạc, cùng đám đông sắm một vai trong tấn trò ngu ngốc, rồ dại của cuộc đời. Như vậy, Érasme và các nhà tư tưởng thời Phục hưng vừa kế thừa những nguyên tắc tư duy trong các sáng tác dân gian thời hậu kì trung cổ, vừa đổi mới tận gốc quan niệm về cái bi, cái hài. Trong quan niệm của họ, cái hài hay cái bi đều là hiện thân của trạng thái nhân sinh. Đó cũng chính là quan điểm của Shakespeare trong bi kịch Hamlet. Bươn trải ngược xuôi, mưu mẹo, toan tính để hoà nhập vào dòng đời là đuổi theo sự ngu ngốc nực cười và tàn ác. Quan niệm này đã chi phối kết cấu của tác phẩm. Trong bi kịch Hamlet của Shakespeare có rất nhiều yếu tố hài. Cái hài được thể hiện tập trung qua hình tượng mấy bác đào huyệt nhà quê. Ngay cả Polonius cũng là hình tượng hài. Đúng là số phận của cả nhà Polonius rất bi thảm. Polonius bị giết. Ophelia phát điên rồi chết đuối. Laertes chết bởi chính sự tráo trở của hắn. Nhưng liệu có mấy ai tham gia vào tấn hài đời nồng nhiệt hơn Polonius! Hắn nịnh hót, bợ đỡ, lúc trẻ hắn cũng thề thốt yêu đương, về già hắn theo đuổi công danh, lo toan gây dựng cho con cái. Hắn tìm cách che đậy sự ngu xuẩn của bản thân bằng ngôn từ có vẻ sâu sắc và thông thái. Polonius tin vào sự cẩn trọng và sáng suốt của mình. Hắn tưởng thế là khôn, nhưng hoá ra rất dại, vì cuộc đời thông thái hơn hắn. Cho nên hắn không thể tránh được một kết cục bi thảm. Polonius chính là thủ phạm gây ra cái chết của hắn và cả nhà hắn. Không phải ngẫu nhiên mà Shakespeare đã để cho Hamlet gọi Polonius là “đồ khọm già ngu xuẩn”.
Laertes cũng tham dự vào tấn hài đời rất hào hứng. Hắn ném cả tuổi trẻ vào những trò chơi phóng đãng. Hắn không xem việc cha chết là cái gì quá khủng khiếp. Nhưng hắn xem việc người ta chôn cất cha hắn không trang trọng, không theo đúng mọi nghi lễ xứng đáng với một bậc đại thần là điều tệ hại, khủng khiếp, không thể bỏ qua. Laertes đam mê tất cả những thứ màu mè ở bên ngoài, những gì mà Hamlet gọi là “cái vỏ”, là “tấm áo thụng” của cuộc đời. Laertes là kẻ báo thù. Vai hề của tấn hài đời này rất đần độn. Hắn làm tất cả để trả thù một cách tàn ác và tráo trở. Trong Ca ngợi phu nhân Rồ Dại cũng có loại ngu ngốc như vậy.
Trong các sáng tác dân gian thời hậu kì trung đại, cái hài, cái ngu chỉ đơn giản là cái xấu. Các nhà tư tưởng thời Phục hưng nhìn thấy tấn hài đời là cái gì rất độc ác và tàn nhẫn. Ophelia không phải là nhân vật hài kịch. Cái chết của nhân vật quá bi thảm. Nhưng Ophelia lại gắn với đề tài không thể thiếu được khi các nhà tư tưởng thời Phục hưng nói về cái hài. Đó là đề tài tình yêu và hôn nhân. Để ý sẽ thấy, mỗi khi nói về tình yêu và sự xuất giá, bao giờ Hamlet cũng tập trung tất cả sự cay độc của mình về phía Ophelia.
Đời vô khối những kẻ ngu ngốc, rồ dại. Những thằng ngu múa may quay cuồng trên sân khấu hài đời! Vậy những kẻ thông thái, trí lự sẽ đứng ở đâu, làm được trò gì?
Thời trung cổ, tư tưởng bị đàn áp, trí tuệ bị giam cầm đến tê liệt trong các tín điều gia trưởng. Thời Phục hưng là thời đại giải phóng cá nhân, thức tỉnh trí tuệ. Học giả người Nga A.V. Lunasarski (1875 - 1933) cho rằng, một khi được giải phóng, trí tuệ có thể phát triển theo hai hướng. Ở hướng thứ nhất, nó trở thành một võ khí sắc bén mà người ta vội vàng nắm lấy để giành giật quyền lực và địa vị. Ở hướng thứ hai, trí tuệ giúp con người nhận ra cái tà nguỵ, soi sáng những mâu thuẫn bi thảm của cuộc đời. Trong trường hợp này, trí tuệ là nguyên nhân gây ra mọi dằn vặt đầy đau khổ của con người. Khuynh hướng thứ nhất của trí tụê được thể hiện trong Ông Hoàng của Niccolò Machiavelli (1469 - 1527). Khuynh hướng thứ hai được phân tích trong Thể nghiệm của Montaigne. Trong Hamlet của Shakespeare có cả hai khuynh hướng ấy.
Vua Claudius là nhân vật cùng kiểu với nhân vật trong Ông Hoàng của Niciolo Machiavelli. Hắn khôn ngoan, sắc sảo và trí tuệ của hắn được dùng vào mục đích duy nhất là giành quyền lực. Claudius hành động điên cuồng. Đã nghĩ là hắn làm. Chẳng bao giờ có mâu thuẫn giữa tư tưởng và hành động của hắn. Claudius giết anh. Hắn còn muốn giết cả Hamlet. Hắn phái Hamlet sang Anh để mượn tay vua Anh giết Hamlet. Hắn rót thuốc độc vào cốc rượu của Hamlet. Hành động của Claudius là hành động của một chính trị gia có mưu mẹo, có thủ đoạn khôn ngoan.
Hamlet nói chung không hành động. Nói đúng hơn, Hamlet không thực hiện kế hoạch hành động do mình vạch ra. ý nghĩa sâu sắc của vở kịch chính là ở đó.
Những người bảo vệ quan điểm cho rằng, Hamlet là nhân vật hành động, thường phân tích như thế này: tuy có hoài nghi, do dự, nhưng trong quá trình nhận thức, Hamlet đã khắc phục những do dự, hoài nghi ấy để cuối cùng đứng lên chống lại nhà vua và thế giới ngục tù. Nhưng những gì mà Shakespeare phản ánh trong vở kịch lại buộc ta hiểu rằng, cái thế giới tù ngục ấy và nói chung là toàn bộ hoàn cảnh vây quanh Hamlet đểu cáng đến mức mà con người vừa định hành động, vừa muốn giành lại một cái gì đó, anh ta lập tức buộc phải va chạm với sự đểu cáng kia, học theo cách đểu cáng của nó để rồi ngập ngụa trong đó. Cuộc đấu tranh của Hamlet chống lại nhà vua thực tế chỉ có thể biến thành cuộc đấu tranh giành giật quyền lực cá nhân. Và để giành phần thắng trong cuộc đấu tranh này, Hamlet buộc phải làm những điều bẩn thỉu giống như chính bọn Claudius, Polonius đã làm. Cho nên, Hamlet không hành động. Đôi khi Hamlet cũng hành động. Nhưng vừa bắt đầu hành động, Hamlet đã hiểu ngay rằng, chàng đang tạo ra cái ác, chứ không làm được điều thiện. Hamlet biết, trong khi theo đuổi mục đích, chàng đã coi thường tính mạng của Ophelia. Hamlet trò chuyện với Ophelia thô bạo và lỗ mãng. Thực tế, Hamlet là nguyên nhân trực tiếp gây nên cái chết của Ophelia. Ophelia phát điên trước hết là vì Hamlet, người nàng yêu, đã giết cha nàng.
Cho nên, khi hành động và trong hành động, Hamlet không “vĩ đại”, chẳng “khổng lồ”. Hamlet chỉ là người khổng lồ khi chàng nghĩ suy về đời sống, khi chàng vạch trần tội ác của xã hội, vạch trần dưới danh nghĩa một anh hề, một thằng điên. Khi ngoài đời rặt một sự bịp bợm, giả dối và đểu cáng thì chỉ những ai dám coi thường mọi quan hệ xã hội, chỉ những thằng điên, anh hề mới có khả năng nói lên sự thật. Vua Lear điên nói lên sự thật. Thằng hề của Lear cũng nói lên sự thật. Donkihote vừa là anh hề, vừa là thằng điên nói lên sự thật. Hamlet giả điên, giả hề cũng nói lên sự thật. Nhưng phía sau những câu điên dại, những trò hề của Hamlet còn có cả một tấn bi kịch. Đó là bi kịch của lí trí, bi kịch của trí tuệ. Trong Thể nghiệm của Mongtaigne cũng có một tấn bi kịch như vậy.
Mongtaigne lấy đời sống cá nhân của chính bản thân làm đề tài cho Thể nghiệm. Cuốn sách của ông thấm nhuần tinh thần tự nhận thức. Đây là biểu hiện độc đáo của thời đại mới, thời đại Phục hưng. Bởi sự quan tâm đến cá nhân con người, việc phân tích con người bên ngoài mọi giáo lí, tín điều là cái không thể có dưới thời trung cổ. Nhưng Mongtaigne sống vào cái thời khủng hoảng của của những tư tưởng nhân văn. Triết học của ông về con người thể hiện sự khủng hoảng ấy. Mongtaigne đưa ra những nhận xét về con người xuất phát từ quan điểm về bản chất đầy mâu thuẫn, thiếu nhất quán của nó. Lòng tham lam, sự hiếu danh, nỗi sợ hãi, do dự và nói chung là dục vọng không bao giờ buông thả con người. Cho nên con người là một bản thể đời đời bận rộn, ngả nghiêng, chao đảo. Mongtaigne nói: càng đi sâu khám phá cái tôi của bản thân, mình càng khinh mình. Hoá ra Mongtaigne cũng là một Hamlet. Những nhận xét, kết luận của Mongtaigne giúp ta hiểu đúng hơn nhân vật của Shakespeare. Hamlet nói: “Chẳng có gì là hay, chẳng có gì là dở, mà chỉ là ta nghĩ thế nào thì hoá ra thế ấy thôi”. Mongtaigne cho rằng, trí tuệ của chúng ta luôn luôn cười nhạo chúng ta. Theo Mongtaigne, không phải bản thân sự vật, mà quan niệm ta gán cho sự vật là nguyên nhân khiến ta đau khổ. Mâu thuẫn sinh ra từ trí tuệ. Vì có mâu thuẫn nên trí tuệ mới sinh ra những tư tưởng kì quặc, hão huyền. Chúng ta tưởng rằng nhờ có trí tuệ mà ta trở thành chúa tể của muôn loài. Đó là sự nhầm lẫn rất thảm hại. Cứ thử dừng lại, đừng nhận thức gì cả, đừng phân tích, mổ xẻ, khám phá thế giới, ta sẽ có sự thanh thản, yên tĩnh và bằng lặng. Bắt đầu nhận thức thế giới, lập tức, ta sẽ mất tất cả. Thế thì nhận thức để làm gì? Mongtaigne đã đặt ra câu hỏi thấm nhuần chủ nghĩa hoài nghi như vậy.
Trí tuệ phát triển cao sẽ mang lại cho con người muôn vàn đau khổ. Đó là một trong những đề tài quan trọng nhất trong Thể nghiệm của Mongtaigne. Đó cũng là nguồn mạch mọi cơn bão lòng của Hamlet. Chỉ cần đọc lại đoạn độc thoại nổi tiếng Sống hay không sống đã có thể nhận ra điều đó. Hamlet nói về những cảnh tàn bạo, đẫm máu, bất nhân, bất nghĩa đang lan tràn khắp nơi. Đâu đâu cũng có những án quyết bất thường, những vụ giết chóc không ngờ, những cưỡng bức, lừa đảo... Những kẻ nắm quyền đang đè nén, áp bức đồng loại không thương xót. Cõi thế qúa ư ô trọc. Chỉ có chết đi mới không phải nhìn thấy những cảnh ô trọc ấy. Nhưng Hamlet không chết chẳng phải vì Hamlet quyết sống để hành động như người ta vẫn thường phân tích. Chết đi ư ? Ngủ đi ư ? Phỏng có ích gì nếu như hồn ma vẫn tiếp tục hiện về! Hamlet sợ rằng, ngay cả khi đã sang thế giới bên kia chàng vẫn phải suy nghĩ, tức là vẫn phải tiếp tục khổ đau. Nỗi sợ ấy kéo Hamlet ở lại với cuộc đời, ngăn không cho chàng tự vẫn. Hamlet nói: “Ta có thể bị giam hãm trong chiếc vỏ hạt dẻ mà vẫn tự coi mình là ông vua của bầu trời bao la vô tận, nếu nằm trong đó ta không bị những cơn ác mộng ám ảnh. “Ác mộng” là gì, nếu không phải là sự tiếp tục của suy nghĩ, của tư duy? Trí tuệ giúp Hamlet hiểu thấu mọi mâu thuẫn và sự lạc điệu của cuộc đời, nhưng trí tuệ cũng dẫn Hamlet tới những triết lí hết sức đắng cay, đau đớn.
Cho nên, Hamlet mạnh không phải vì dẫu sao Hamlet cũng đã hành động và cuối cùng giết được Claudius. Đó chỉ là sức mạnh của Amleth. Hamlet mạnh ở chỗ, chàng đã thấy được, hiểu được những mâu thuẫn của thực tại và chàng đau khổ vì sự lạc điệu của đời sống. Đó là một trí tuệ thức tỉnh quá sớm, một trí tuệ quằn quại trong đớn đau giữa một thực tại thù địch với nó: thực tại ảm đạm của thời tư bản sơ khai.
5. Hamlet là nhân vật bi kịch thể hiện sự tan vỡ lí tưởng nhân văn của Shakespeare. Nhưng Shakespeare không mất niềm tin vào tương lai. Cho nên, Hamlet không phải là nhân vật phát ngôn cho toàn bộ tư tưởng của Shakespeare. Hamlet không nhận ra con đường, ngõ hầu thoát khỏi tình trạng bế tắc, tuyệt vọng. Shakespeare tìm thấy trong quan niệm nhân sinh của nhân dân niềm tin yêu cuộc sống. Ta hiểu vì sao, Shakespeare không chỉ đối lập “người khóc than cho số phận toàn nhân loại” với những thằng ngốc của sân khấu hài đời, mà còn đối lập Hamlet với nhân dân. Hãy nhớ lại lớp kịch nói về cảnh ngoài nghĩa địa. Cảnh này gồm hai người đào huyệt và Hamlet, nhà tư tưởng, nhà triết lí. Shakespeare gọi những người đào huyệt là những “chàng ngố”, là “anh nhà quê”. Thế là trong cảnh này, một bên có Hamlet, đại diện cho trí tuệ, còn bên kia là những “chàng ngốc”. Những “chàng ngốc” té ra lại khôn ngoan, thông minh hơn Hamlet, nhà tư tưởng. Hamlet cho rằng, những gì đang sống rồi sẽ biến thành cát bụi. Bằng toàn bộ sự sắc sảo của trí tuệ, Hamlet chứng minh, tương lai chỉ là hư vô. Sự huỷ diệt đang chờ đợi tất cả phía trước. Lunasarski gọi Hamlet là “người khóc than cho số phận toàn nhân loại” và xem ý kiến trên của Hamlet là “bản giao hưởng của chủ nghĩa bi quan” .
I.S.Turgheniev (1818 - 1883) cho rằng, ý kiến ấy của Hamlet là hiện thân đầy đủ của chủ nghĩa hoài nghi và Hamlet là đại diện của tư tưởng phủ định cực đoan nhất . Đó là lí do khiến Hamlet lảng tránh hành động và nói chung, không hành động.
Thái độ của những người đào huyệt đối với cái chết đơn giản hơn nhiều. Họ nói chuyện với Hamlet hết sức bỗ bã, suồng sã và cũng không kém vẻ uyên thâm. Họ gọi hoàng tử Hamlet là thằng điên. Họ cho rằng Ophelia tự tử mà vẫn được chôn cất theo lễ nghi tôn giáo chẳng qua vì nàng thuộc dòng dõi quý tộc. Họ đánh giá giai cấp này theo quan điểm của nhân dân. Họ là những người chẳng có chữ nghĩa, không được học hành. Xã hội vẫn nhìn họ như những thằng ngốc. Nhưng giống như trong sáng tác dân gian, những thằng ngốc té ra lại là những nhà thông thái, thông thái một cách độc đáo theo kiểu của nhân dân.
Đối lập tư tưởng của Hamlet với tư tưởng của nhân dân, Shakespeare chỉ ra sự phiến diện trong quan điểm của “Người khóc than cho số phận toàn nhân loại”. Shakespeare còn đối lập Hamlet với Fortinbras để vạch ra sai lầm trong thái độ lảng tránh hành động của vị hoàng tử này.
Tại sao ở phần chót vở kịch lại xuất hiện Fortinbras? Nhân vật này không xuất hiện thì xung đột giữa Hamlet và Claudius cũng đã được giải quyết xong xuôi và hành động kịch thế là đã hoàn tất. Rõ ràng, Shakespeare cần đưa ra một đối cực của Hamlet. Hamlet là nhà tư tưởng bị trí tuệ làm tê liệt hành động. Fortinbras (nghĩa đen là “cánh tay mạnh”) là một chiến binh, một võ tướng. Chàng là người hành động không cần bàn luận. Sự xuất hiện của Fortinbras phá tan bầu không khí vô vọng đang bao trùm toàn bộ sân khấu ở màn chót vở kịch. Qua nhân vật này người xem hiểu ra, rằng thái độ hoài nghi vào tương lai, thái độ lảng tránh hành động của Hamlet chứa đựng một cái gì đó hết sức sai lầm. Đưa Fortinbras lên sân khấu ở màn chót vở kịch, Shakespeare nói to lên một điều hết sức hệ trọng: lịch sử vẫn cứ tiếp diễn, vẫn đi theo con đường của nó.
*
Những điều kiện lịch sử xã hội thời đại Phục hưng đã sinh ra tấn bi kịch Hamlet. Đó là thời đại sụp đổ của những quan hệ gia trưởng, nhờ thế cá nhân và trí tuệ được giải phóng. Nhưng đó cũng là thời đại bắt đầu hình thành chủ nghĩa tư bản, nhân loại chuyển qua một kỉ nguyên thống trị của những thế lực m ới, trong đó có không biết bao nhiêu là sự đểu cáng, tráo trở. Điều kiện lịch sử cụ thể ấy đã làm nảy sinh mâu thuẫn giữa tư tưởng và hành động, giữa sự hiểu biết thế giới sâu sắc với khả năng tiến hành những hành động ngõ hầu có thể làm thay đổi trật tự hiện hành.
Thời đại không trao cho con người khả năng tìm ra một lối thoát lịch sử. Nhưng quan điểm không hành động, bỏ mặc lịch sử là quan điểm sai lầm. Hình như Shakespeare đã nhắn nhủ như thế với bạn đọc muôn đời bằng pho tượng đài Hamlet: tượng đài bi kịch “khổ vì trí tuệ”.
No comments:
Post a Comment