SỐNG THẬT dễ hay khó?
Hôm nay đọc bài báo này và cảm thấy cần chia sẻ một điều gì đó: http://laodong.com.vn/Xa-hoi/Benh-thanh-tich-hien-hinh/76309.bld
Tôi còn trẻ, trải nghiệm ít và vốn sống chưa nhiều. Những gì sắp nói ra dưới đây chỉ dám xem là một góc nhìn của một người trẻ non nớt. Tuy nhiên, tôi nghĩ ít ra mình cũng theo dõi tin tức hàng ngày và từng có dịp tiếp xúc nhiều bậc đáng kính trong xã hội để gọi là có chút suy gẫm về cuộc đời. Tôi rút ra một điều: SỐNG THẬT trong xã hội hiện nay là khó.
Sẽ bị xem là ngây thơ, khờ khạo, thậm chí ngu dốt nếu người ta dám sống thật với SỰ THẬT. Ai cũng biết nên sống thật, nên nói thật và nên làm thật. Nhưng khó, rất khó!
Ngày nay, nhiều người dễ dàng đánh mất lương tâm khi chế biến thực phẩm bằng những thứ ôi thối, độc hại. Họ sẵn sàng lấy nhựa làm gạo, lấy nylon làm bún, lấy chất tẩy rửa làm dầu ăn, chế biến cà phê bằng cách cho vào đó thủy ngân, chì, đường hóa học,… Thật đáng sợ! Những thông tin này chỉ xuất hiện vài năm gần đây nhưng trở nên quen tai với mọi người. Nó đã và đang là nỗ ám ảnh của các bà mẹ bởi hàng ngày phải đi chợ chọn đồ ăn với mong muốn có những bữa cơm dinh dưỡng cho gia đình. Quả là khó cho họ! Mẹ tôi hay nói vui: “Bây giờ có muốn kiêng cử cũng chẳng biết kiêng gì, cái gì cũng làm từ phẩm màu, hóa chất gây ung thư. Không lẽ chỉ ăn cơm với đậu hủ?”. Ấy chết mẹ ơi, đậu hủ giờ cũng toàn thạch cao mà!!!
Chắc bạn cũng đồng ý với tôi rằng người Việt Nam rất xem trọng bữa cơm gia đình bởi nó không chỉ đơn giản cung cấp thức ăn no mà còn là nơi thắt chặt tình cảm giữa các thành viên. Ấy vậy mà hiện nay, chất lượng thật của những bữa cơm gia đình đang bị đe dọa một cách đáng sợ chỉ vì một số cá nhân tư lợi. Làm sao bữa cơm có thể trọn vẹn được khi lòng nơm nớp lo sợ trong từng miếng ăn, trong từng cái nhấc đũa? Câu hỏi này tôi muốn gửi đến những người đang làm điều kia trả lời giúp.
Đang hoạt động trong lĩnh vực đào tạo phát triển bản thân nhưng chính tôi cũng phát hoảng khi thấy ồ ạt nhiều công ty ra đời với sự tự xưng rất kêu. Bằng cách ảo thuật câu chữ thế là có một hồ sơ diễn giả “hoành tráng” và chương trình đào tạo “bài bản”. Tôi thật sự lo lắng cho những học viên nào trót học ở đó. Tôi nghĩ có hai nguyên nhân: hoặc là những người làm điều đó suy nghĩ quá đơn giản về đào tạo, hoặc có thể lương tâm của họ không còn “răng” để mà… vừa cắn vừa rứt nữa rồi? Trong quá trình làm việc với các bạn Trainee (Chuyên gia đào tạo triển vọng của TGM) – những người sẽ đứng lớp sau này, điều tôi luôn yêu cầu các bạn phải ngấm vào máu, vào xương tủy của mình là SỰ CHÍNH TRỰC, tức là thành thật với lương tâm và con người của mình. Không những yêu cầu, mà nếu có bất kì một dấu hiệu nào xâm phạm điều đó thì ngay lập tức đối với tôi họ không còn phù hợp với nghề này nữa. Tôi quan niệm: đứng lớp không đơn giản chỉ là chia sẻ với học viên những điều hay mà còn là dạy chính mình phải sống với những điều đó.
Giá trị thật của sự giàu có cũng đang bị xâm phạm. Những hiện tượng khoe mẽ, tổ chức đám cưới đình đang với dàn siêu xe đang là mốt của nhiều đại gia giàu có mới nổi. Người ta gọi đó là giàu nhưng chưa kịp… sang, vì người sang chẳng ai làm vậy bao giờ. Người giàu đích thực họ hiểu giá trị của đồng tiền, cái gì đáng chi thì chi, không đáng thì một đồng cũng không chi. Nghĩ đi thì cũng nghĩ lại, quả là thật khó cho họ bởi khoe mẽ cũng có cái lợi của nó trong xã hội hiện nay, nơi mà giá trị vật chất đang lên ngôi và trở thành thước đo cho nhiều lựa chọn.
Một hiện tượng khác cũng phổ biến mà bản thân tôi rất nhiều lần là nạn nhân, đó là nạn rải đinh ngoài đường để bẫy người nhằm kiếm chác chút đỉnh. Cái thật của lương tâm nghề nghiệp đang bị bào mòn ngay trong cả một nghề giản đơn. Việc kiếm sống lương thiện trở nên khó khăn hơn bao giờ hết với những con người này. Rồi ngẫm cũng thông cảm phần nào, bởi cái mưu sinh hàng ngày quá lớn đang thúc giục họ phải làm điều sai trái. Chắc là họ không muốn như vậy đâu!
Điều cuối cùng – là điều bài báo đề cập trong đầu bài viết, theo tôi là điều đáng ngại nhất. Dạo gần đây chắc ai cũng nhận thấy đang dấy lên một thực trạng trong giáo dục: Ai cũng muốn có thành tích, từ học trò đến người đứng lớp, rồi cả ban giám hiệu lẫn phụ huynh,… Học trò thì muốn bài thi điểm mười. Thầy cô muốn lớp của mình đạt thành tích cao khi xét duyệt thi đua. Ban giám hiệu thì muốn đạt danh hiệu trường giỏi để mong được cấp ngân sách thật nhiều. Phụ huynh thì muốn con mình phải là số một. Thành tích không có gì xấu (thậm chí rất tốt nếu đạt được bằng sự phấn đấu thật), nhưng nó trở nên nguy hiểm vô cùng nếu ta khao khát đạt được bằng mọi giá, kể cả vượt quá ranh giới của lương tâm để đi vào vùng đen tối. Người ta gọi đó là“bệnh thành tích” – một hiện tượng rất đáng lên án. Tôi ủng hộ tinh thần học thật, làm thật, tạo giá trị thật, trở thành người có ích thật cho xã hội, từ đó xã hội trở nên văn minh thật chứ không phải cái hào nhoáng của sự giàu có ẩn sau là giả dối, khoe khoang.
Tại sao tôi lại nói đây là điều đáng ngại nhất? Bởi khi mang trong mình mầm mống của căn bệnh này, người ta dễ dàng trở thành nô lệ cho thành tích. Khi ai cũng vậy thì việc này trở nên bình thường và xã hội tất yếu sẽ xuống cấp. Nếu là học sinh đã nô lệ cho điểm thì sau này sẽ cảm thấy thoải mái nô lệ cho tiền bạc, chức vụ, địa vị và danh vọng. Khi đó, chắc chắn người ta dám đánh đổi mọi thứ (cho dù là quý giá) để có được những điều kia, mặc kệ trái với lương tâm, ngược với nhân phẩm con người.
Trong vòng xoáy xã hội cuốn mình đi, vốn bản tính “ham của ngọt” và ít tốn công sức thì SỐNG THẬT là điều vô cùng khó!
No comments:
Post a Comment