Cảm nhận về đoạn thơ đầu của bài Tây Tiến
I/MỞ BÀI
Quang Dũng ( 1921-1988) là một nghệ sĩ đa tài với hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa. “Tây Tiến” là bài thơ tiêu biểu cho đời thơ và thể hiện sâu sắc phong cách thơ Quang Dũng. Có thể nói, tinh hoa của bài thơ được hội tụ lại trong khổ thơ đầu tiên. Khổ thơ đã dựng lên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, mĩ lệ của núi rừng miền Tây, nơi nhà thơ cũng đoàn quân Tây Tiến đã từng hoạt động, chiến đấu.
"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây,súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời !
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi."
II/THÂN BÀI
1/ Giới thiệu chung .
Bài thơ “Tây Tiến” được sáng tác năm 1948 tại làng Phù Lưu Chanh, khi nhà thơ đã rời khỏi đơn vị cũ Tây Tiến, chuyển sang hoạt động tại một đơn vị khác.
Tây Tiến là một đơn vị bộ đội chống Pháp được thành lập năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt Lào , tiêu hao sinh lực Pháp tại Thượng Lào và miền Tây Bắc Việt Nam. Địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây Tiến rất rộng lớn trải dài từ Sơn la, Hòa Bình, miền tây Thanh Hóa đến Sầm Nưa (Lào) – là những nơi hiểm trở, hoang vu, rừng thiêng nước độc. Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, có nhiều học sinh, sinh viên, trong đó có Quang Dũng. Họ sống và chiến đấu trong hoàn cảnh gian khổ, thiếu thốn, bệnh sốt rét hoành hành nhưng vẫn lạc quan, anh dũng. Hoạt động được hơn một năm thì đơn vị Tây Tiến trở về Hòa Bình thành lập Trung đoàn 52.
Bài thơ ra đời từ nỗi nhớ, kỉ niệm, hồi ức của Quang Dũng về đồng đội và địa bàn chiến đấu cũ. Tác phẩm sau khi ra đời đã được bao thế hệ thanh niên và bạn yêu thơ truyền tay tìm đọc. Đến năm 1986, bài thơ được in trong tập thơ “Mây đầu ô” (xuất bản 1986).
Ban đầu bài thơ có tên là “Nhớ Tây Tiến”, sau đó tác giả chuyển lại thành “Tây Tiến”. Nhan đề “Tây Tiến” đảm bảo tính hàm súc của thơ, không cần phải trực tiếp bộc lộ nỗi nhớ mà tình cảm ấy vẫn hiện lên sâu sắc, thấm thía. Nhan đề còn làm nổi rõ hình tượng trung tâm của tác phẩm, đó là hình tượng đoàn quân Tây Tiến. Việc bỏ đi từ “nhớ” đã vĩnh viễn hóa đoàn quân Tây Tiến, khiến cho hình ảnh người lính Tây Tiến trở thành bất tử trong thơ ca kháng chiến Việt Nam.
“Tây Tiến” là bài thơ in đậm phong cách tài hoa, lãng mạn, phóng khoáng của hồn thơ Quang Dũng. Tác phẩm đã bộc lộ nỗi nhớ sâu sắc của nhà thơ với người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp lãng mạn, đậm chất bi tráng. Đoạn thơ thứ nhất đã tái dựng lại sống động bức tranh thiên nhiên miền Tây với những khung cảnh, những chặng đường hành quân gian khổ, từ đó hình ảnh những chiến sĩ Tây Tiến cũng lần lượt hiên ra.
2/ Phân tích đoạn thơ
a/ Bài thơ mở ra bằng một nỗi nhớ trào dâng:
"Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi
Nhở về rừng núi, nhớ chơi vơi"
Tiếng gọi “Tây Tiến ơi” bật lên bởi một nỗi nhớ sâu sắc, cồn cào không kìm nén nổi. Đối tượng của nỗi nhớ ấy rất cụ thể, rõ ràng là: “sông Mã” , “Tây Tiến” , “rừng núi”. Nỗi nhớ ấy phải khắc khoải lắm thì tác giả mới điệp lại hai lần từ “ nhớ” . “ Nhớ chơi vơi” là nỗi nhớ chập chờn hư thực, vừa tha thiết, thường trực, vừa mênh mang, đầy ám ảnh, vừa mở ra không gian của tiềm thức, vừa như gợi ra không gian trập trùng của núi đèo rộng lớn. Cách hiệp vần “ơi” làm câu thơ như ngân vang, phù hợp với biên độ của cảm xúc.
Hai câu thơ đầu đã khơi mạch chủ đạo của cả bài thơ là nỗi nhớ khôn nguôi. Nỗi nhớ ấy được cụ thể dần dần trong những vần thơ tiếp sau.
b/ Hai câu thơ tiếp: gợi lại hình ảnh đoàn quân hành quân trong đêm:
“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi”
Hai câu thơ vừa tả thực, vừa sử dụng bút pháp lãng mạn. Những từ chỉ địa danh Sài Khao, Mường Lát gợi ra địa bàn rộng lớn, đầy lạ lẫm đối với người lính Tây Tiến. Sương mù vùng cao dày đặc như trùm lấp bước chân, nuốt chửng cả đoàn binh vốn đang mỏi mệt, rệu rã vì chặng đường dài gian khổ. Quang Dũng đã nhìn thấy và miêu tả một mảng hiện thực khuất lấp trong thơ ca kháng chiến. Nhưng những người lính ấy, dù mệt mỏi mà tâm hồn vẫn trẻ trung, hào hoa, lạc quan, yêu đời. Hình ảnh “hoa về trong đêm hơi” là hình ảnh đẹp giàu sức gợi. Đó có thể là những ánh đuốc sáng lung linh của đoàn quân đang tiến về bản làng, cũng có thể là hình ảnh đoàn quân từ rừng đi ra, trên tay vẫn cầm theo những đóa hoa rừng ngát hương, mà đó cũng có thể là hình ảnh ẩn dụ về đoàn quân Tây Tiến như những bông hoa rừng. Đoàn quân ấy hành quân trong một “đêm hơi” đầy huyền ảo, mơ hồ, bảng lảng khói sương chốn rừng suối. Hai câu thơ in đậm dấu ấn tài hoa, lãng mạn của Quang Dũng.
c/Bốn câu thơ tiếp theo đặc tả địa hình hiểm trở của miền Tây:
"Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi"
Nhà thơ sử dụng một loạt các từ láy tượng hình “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “ heo hút”, kết hợp với cách ngắt nhịp 4/3 như chặt đôi câu thơ, mật độ thanh trắc dày đặc khiến câu thơ trúc trắc gợi sự vất vả, nhọc nhằn. Những phép tu từ đó mở ra trong tâm tưởng người đọc ấn tượng về sự gập ghềnh, hiểm trở, ẩn chứa bao bất trắc, nguy hiểm của núi cao, vực sâu nơi núi rừng miền Tây. Hình ảnh “súng ngửi trời” là một nhân hóa táo bạo, đặc tả sự chót vót của dốc núi. Người lính Tây Tiến leo lên đỉnh dốc, cảm tưởng như mũi súng có thể chạm mây. Từ đó, ta cũng thấy được nét tinh nghịch khỏe khoắn, vẫn có thể trêu đùa vô tư sau một chặng đường hành quân vất vả, mệt nhọc của các anh lính Tây Tiến. Phép đối “ngàn thước lên cao – ngàn thước xuống” càng nhấn mạnh độ gập ghềnh, hình sông thế núi trập trùng, hiểm trở của thiên nhiên miền Tây. Ba câu thơ giàu chất hội họa, dựng lên bức tranh hoang vu, dốc đèo đứt nối, hùng vĩ trên con đường hành quân của chiến sĩ Tây Tiến. Câu thơ thứ tư toàn bộ là bảy thanh bằng “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”, vần mở “ơi” đặt cuối câu tạo cảm giác nhẹ nhàng gợi ra những phút giây nghỉ ngơi thư giãn của người lính. Họ đứng trên những đỉnh núi, thưởng thức chút bình yên, vẻ đẹp lãng mạn của núi rừng, phóng tầm mắt, thấy mưa rừng giăng mờ nơi bản làng Pha Luông xa xôi. Bốn câu thơ vừa gợi ra sự dữ dội hoang vu, sự êm đềm của núi rừng, vừa gợi ra những cuộc hành quân vất vả nhọc mệt nhưng đầy trẻ trung, yêu đời của các chàng trai Tây Tiến.
d/Người lính Tây Tiến không chỉ đối diện với dốc cao vực sâu mà còn phải chịu những mất mát hi sinh:
"Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời"
Cách nói tránh về cái chết “không bước nữa”, “bỏ quên đời” gợi tư thế ngạo nghễ của người lính Tây Tiến. Họ chủ động chấp nhận cái chết, coi nó chỉ đơn giản như một giấc ngủ mà thôi. Tư thế hi sinh “gục lên súng mũ” đầy xót xa nhưng cũng thật hào hùng. Hình ảnh về người lính anh dũng hi sinh ấy sau này ta còn bắt gặp trong “Dáng đứng Việt Nam” : “Và anh chết trong khi đang đứng bắn- Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng”. Câu thơ đã tiếp tục cảm hứng bi tráng khi xây dựng chân dung người lính Tây Tiến.
e/Và người lính Tây Tiến tiếp tục chịu sự thử thách của núi rừng miền Tây:
“Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”
Các từ láy chỉ biên độ lặp lại thường xuyên của thời gian ”chiều chiều”, “đêm đêm” kết hợp với biện pháp nhân hóa “thác gầm thét”, “cọp trêu người” đã nhấn mạnh vẻ bí hiểm, dữ dội, hoang dã chứa đầy nguy hiểm, cái chết luôn luôn rình rập đe dọa người lính của núi rừng miền Tây. Sự nguy hiểm ấy không chỉ trải rộng trong không gian mà còn kéo dài và lặp lại thường xuyên theo thời gian.
g/Hai câu thơ cuối đoạn lại đột ngột chuyển cảnh:
"Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi."
Núi cao rừng rậm lùi xa, chỉ còn lại hương vị ấm áp nghĩa tình quân dân lan tỏa từ nồi cơm của các cô gái Thái. Từ cảm thán “Nhớ ôi” đứng đầu câu thơ diễn tả nỗi nhớ da diết, ám ảnh khôn khuây của Quang Dũng cũng như người lính Tây Tiến về đồng bào miền Tây. Nhà thơ như nhói lòng khi hồi tưởng lại cảnh đoàn quân quây quần quanh nồi xôi nếp thơm lừng đang bốc khói. Đó là những giây phút ấm áp ngắn ngủi nhưng lại dịu ngọt, tinh tế nên khắc sâu mãi trong tâm trí nhà thơ. Cách kết hợp từ “mùa em” rất độc đáo, gợi những liên tưởng đẹp, lãng mạn về những cô gái Thái vừa khỏe khoắn vừa dịu dàng mà đằm thắm yêu thương. Hai câu thơ kết thúc đoạn một bài thơ Tây Tiến có âm điệu nhẹ nhàng tha thiết gợi cảm giác êm dịu, ấm áp, tạo tâm thế cho người đọc cảm nhận đoạn thơ tiếp theo.
Trong những đoạn thơ còn lại, nhà thơ Quang Dũng tiếp tục hồi tưởng về cảnh những đêm liên hoan văn nghệ thắm thiết tình quân dân, những buổi chiều trên sông nước miền Tây thơ mộng, hư ảo, hồi tưởng về chân dung tập thể những người lính Tây Tiến anh dũng, hào hoa. Cuối bài thơ, Quang Dũng bộc lộ lời nguyện thề mãi gắn bó với miền Tây và đoàn quân Tây Tiến.
III/ KẾT BÀI .
Đoạn thơ đầu bài thơ Tây Tiến đã thể hiện tài hoa và tâm hồn lãng mạn phóng khoáng của nhà thơ Quang Dũng. Đoạn thơ có ngôn ngữ giàu chất tạo hình, giàu nhạc điệu, gây ấn tượng táo bạo, dựng lên bức tranh sinh động, có chiều sâu về cảnh hành quân của đoàn quân Tây Tiến trên cái nền thiên nhiên rừng núi hùng vĩ thơ mộng miền Tây. Qua đó, ta cảm nhận được sự gắn bó sâu sắc, nỗi nhớ tha thiết của nhà thơ Quang Dũng về những ngày tháng chiến đấu trong đoàn quân Tây Tiến – một thời mãi mãi để nhớ và tự hào.
(Sưu tầm)
No comments:
Post a Comment