Nói thêm về “Đôi mắt” của Nam Cao
1. Không thuộc vào hàng những kiệt tác của Nam Cao, nhưng Đôi mắt vẫn là sáng tác xuất sắc của ông sau cách mạng. Và so với "mặt bằng" truyện ngắn đương thời, thì nó vẫn cứ là một cái đỉnh. Có lẽ vì thế mà kể từ độ vừa ra đời cho đến nay, bước sang thế kỷ mới rồi, nó vẫn cứ làm nóng dư luận. Mà xem ra, mọi tranh cãi vẫn là từ cái anh chàng văn sĩ Hoàng ấy. Tôi không nhằm nói tới cái việc đồng nhất anh ta với nguyên mẫu. Đấy là một sai lầm "lịch sử" khiến Hoàng nghiễm nhiên thành cái bóng đè lên thanh danh nhà văn Vũ Bằng mà phải đến cuối thế kỷ trước mới hóa giải được1. Điều tôi muốn đề cập ở đây là cách hiểu khác nhau về thực chất của Hoàng và ý đồ nghệ thuật của Nam Cao. Nhìn lướt thì ý kiến chia làm hai thời kỳ. Trước đổi mới, xem chừng khá thống nhất. Người ta vẫn thấy Hoàng thuần là phản diện, và thái độ của Nam Cao với nhân vật này là phê phán, lên án. Tuy rằng chưa phải việc hiểu đã tới độ cần thiết. Nhưng kể từ đổi mới trở đi, bắt đầu thấy nảy ra loại ý kiến cho rằng: người đọc đã quá khắt khe với Hoàng, thái độ Nam Cao không gay gắt đến thế. Và thậm chí, có vẻ như Nam Cao còn khắc họa Hoàng như một trí thức tỉnh táo, đã thấy trước những hạn chế của người nông dân đi làm cách mạng vào giữa lúc quần chúng đang lên ngôi; nên đã coi Hoàng như một thứ tiên tri đi trước thời đại.
Xem ra, xung quanh truyện Đôi mắt của Nam Cao, tồn tại cả "vấn đề đôi mắt" của bản thân người đọc nữa thì phải!
Chả biết, cái ý kiến "cấp tiến" nhân luồng gió đổi mới này có "tiến" được "cấp" nào không, mà thấy bất chấp cả những nguyên tắc tối thiểu của việc tiếp nhận nghệ thuật. Trước hết là nguyên tắc lịch sử. Đó là gán cái nhìn của ngày hôm nay cho một tác phẩm quá khứ. Bấy giờ, cuộc cách mạng tháng Tám đã tạo ra một sự đổi thay ghê gớm. Nhiệt tình bỏng cháy và niềm tin đơn giản thường khiến người ta nhảy từ cực đoan này sang cực đoan khác. Trí thức bấy giờ đều muốn đoạn tuyệt hoàn toàn với "con người cũ" của mình, đều kiên quyết "lột xác". Thấy mình có lỗi với quần chúng, lạc lõng trước nhân dân, lạc loài trước dân tộc. Nhất nhất đều lấy quần chúng ra để làm mẫu, làm gương. Chỉ có quần chúng là vĩ đại, là vạn đại.… Tất cả đều thành tâm, thành kính, hồ hởi. Tuyệt nhiên chưa có chỗ để đặt những dấu hỏi cho hoài nghi hay xét lại. Như tuyệt đại đa số văn nghệ sĩ trí thức đương thời, Nam Cao cũng không là ngoại lệ. Điều ấy có hiện ra ngay cả trong truyện ngắn này chứ không phải đâu xa. Cứ đọc lại cái đoạn Độ ngẫm nghĩ về đôi mắt của Hoàng trong đối sánh với toàn bộ thời buổi kháng chiến bấy giờ thì khắc biết. Tức là Nam Cao đã viết Đôi mắt bằng nhận thức đương thời, bằng niềm tin đương thời. Trong cái tâm thành đến mức ngây thơ kia của Nam Cao, làm gì đã có chỗ cho một chút hoài nghi nào, dù chỉ là thoáng qua, nói gì đến cái gọi là sự tỉnh táo đi trước thời đại từa tựa như là xét lại đó. Nhìn ra những méo mó của cuộc đời là bởi đôi mắt ráo hoảnh của Hoàng, chứ quyết không phải bởi tiên cảm nhạy bén thuộc năng lực tiên tri của Hoàng. Đó là hai nguyên ủyhoàn toàn khác nhau, gắn với hai bản chất khác nhau. Chả nên đánh đồng. Đánh đồng là ngộ nhận, là làm hại chứ đâu phải làm sang gì cho Nam Cao. Tự thân tư tưởng Nam Cao đã đủ vĩ đại rồi. Ông không cần đến sự làm sang vô lối nào nữa đâu.
Ý tưởng "cấp tiến" kia cũng không đếm xỉa gì đến mối liên hệ mật thiết giữa các sáng tác cùng thời của cùng tác giả. Truyện ngắn Đôi mắt được viết gần như cùng thời điểm với Nhật ký ở rừng. Nếu nhật ký là nơi bộc lộ khá trực tiếp những suy tư và ý đồ nghệ thuật, thì truyện ngắn là chỗ các ý đồ kia đã hoá thân thành hình tượng sống động. Ai cũng biết trong Nhật ký ở rừng, Nam Cao có nói đến một loại người mà ông gọi là những tên "bố vấu", chúng là những trí thức nửa mùa, với những biểu hiện: không yêu một cái gì, không làm việc gì, chúng chỉ giỏi chửi đổng. Có thể nói một trong những tên "bố vấu" như thế đã hóa thân thành Hoàng. Tiếp nhận nhân vật Hoàng không thể cắt lìa khỏi mối liên hệ gần gũi và thống nhất đó.
Tuy nhiên, những nguyên tắc trên bị vi phạm cũng chưa thật đáng ngại lắm. Loại ý kiến "cấp tiến" kia còn bất chấp một nguyên tắc quan trọng hơn của việc cảm thụ nghệ thuật đó là hiểu nhân vật thoát ly khỏi cấu trúc nghệ thuật của tác phẩm. Không ai không thấy rằng Đôi mắt là truyện ngắn ít nhiều có tính luận đề. Luận đề bao trùm chính là Đôi mắt. Nghĩa là cách nhìn người nhìn đời. Luận đề ấy được hiện hình rất sắc nét nhờ một tình huống truyện đặc sắc. Toàn bộ truyện ngắn này xoay quanh một tình huống chủ chốt: cuộc gặp gỡ vừa thân thiện vừa gượng gạo của hai nhà văn vốn là bạn viết của nhau, nhưng bây giờ đã rất khác nhau về lối sống, chỗ đứng và cách nghĩ, đó là Hoàng và Độ. Cuộc gặp gỡ như thế đã quyết định đến tính đối thoại trong cấu trúc tác phẩm. Đôi mắt là cuộc đối thoại giữa hai nhân vật - hai nhà văn - hai tư tưởng… mà tựu trung là cuộc đối thoại của hai "đôi mắt". Cuộc gặp gỡ và tính chất đối thoại như thế cũng quyết định đến kiểu nhân vật của truyện ngắn này: tuy cũng được mô tả khá đầy đủ từ lai lịch đến ngoại hình, từ hành động đến ngôn ngữ, nhưng về căn bản, hai nhân vật chính trong câu chuyện này nghiêng về kiểu nhân vật tư tưởng. Đúng thế, tư tưởng mới là cốt lõi của họ, những bình diện khác được đề cập hầu như chỉ nhằm lý giải cho tư tưởng của họ mà thôi. Nếu không sợ cực đoan, có thể khẳng định: Hoàng và Độ là hai tư tưởng, hai "đôi mắt" được nhân vật hóa. Nhìn sâu hơn, cuộc gặp gỡ và tính chất đối thoại đó cũng quyết định đến một nguyên tắc nghệ thuật chủ đạo chi phối việc khắc họa cặp hình tượng: đối lập tương phản. Độ là chính đề Đôi mắt thì Hoàng là phản đề Đôi mắt. Nếu Độ là người được đề cao, thì Hoàng là kẻ bị lên án. Đúng theo cung cách của chính diện và phản diện, ánh sáng và bóng tối. Thậm chí, ở một số điểm, nếu nắm được người này thì sẽ suy ra được người kia, theo lối tương phản. Trong Đôi mắt, nhân vật này chỉ thực sự tồn tại khi song hành với nhân vật kia. Có lẽ, chưa ý thức thật đúng mức về điều ấy, nên việc hiểu Hoàng còn không ít hạn chế.
2. Tuy nhiên, bài này được viết ra không nhằm tranh luận với các ý kiến "cấp tiến" nọ. Tôi muốn nói đến một việc khác thuộc về nghệ thuật bậc thầy của Nam Cao : việc dựng nhân vật Hoàng. Cố nhiên, tôi cũng không định nói đến lối dùng đồ vật và loài vật để khắc họa nhân vật. Đành rằng, việc mô tả Hoàng gắn liền với thế giới tiện nghi sang trọng và con chó becgiê, giữa những ngày tản cư kháng chiến kham khổ, là một thủ pháp đặc sắc của Nam Cao. Quả là, những tiện nghi và con becgiê kia đã tố cáo về bản chất ích kỷ và triết lí hưởng thụ tệ hại ở chủ nhân của chúng. Song, cái tôi muốn đề cập nhiều hơn vẫn là chuyện khác: chuyện ngôn ngữ nhân vật. Phải, nhiều khi ta bỏ qua, hay chừng mực hơn, ta chưa chú ý đúng mức đến ngôn ngữ nhân vật nên đã hiểu nhân vật chưa thật đến nơi. Ai cũng biết, ngôn ngữ nhân vật là một phương tiện hết sức đắc dụng để nhà văn khắc họa nhân vật. Dùng thành công thì lời nhân vật chính là một bức chân dung tự họa sắc nét về bản thân nhân vật. Trường hợp Hoàng là như vậy. Tiếc rằng, nó chưa được quan tâm thật đúng mức. Hoàng là một nhà văn. Trước đến nay, người đọc, người nghiên cứu vẫn chưa chú ý đầy đủ tới khía cạnh nhà văn trong ngôn ngữ Hoàng.
Đặc điểm của thứ ngôn ngữ ấy là gì? Trong trường hợp này, nổi lên mấy khía cạnh chính: khái quát từ chi tiết rồi cường điệu lên để mặc nhiên xem chi tiết thuộc hiện tượng là bản chất, cố chấp về chữ nghĩa, đặc biệt hơn, thường có hai tầng hiển ngôn và hàm ngôn. Mà hiển ngôn chỉ là đưa đẩy mua vui, hàm ngôn mới là bụng dạ thực. Lâu nay, đọc lời Hoàng, ta mới chỉ nghiêng về tầng hiển ngôn mà bỏ qua rất nhiều tầng hàm ngôn. Hãy đơn cử một ví dụ. Khi được hỏi thăm về chuyện sáng tác, Hoàng trả lời : "…Nhưng thế nào chúng mình cũng phải viết một cái gì đó để ghi lại cái thời này. Nếu khéo làm thì còn có thể hay bằng mấy cái "Số đỏ" của Vũ Trọng Phụng. Phụng nó còn sống đến lúc này thì phải biết!". Đoạn thoại này rất tiêu biểu cho ngôn ngữ của Hoàng. Tầng hiển ngôn chỉ là trình bày một quyết tâm, một dự định sáng tác và tỏ ý tiếc thay cho bạn văn không còn sống. Nhưng còn tầng hàm ngôn là những hàm ý, ẩn ý gắn với nội dung của "Số đỏ" và tài trào phúng của Vũ Trọng Phụng. Nó chứa đựng thâm ý nào đây ? Trước hết, nó thể hiện quan niệm của Hoàng về cái thời ấy: té ra Hoàng coi cái thời buổi kháng chiến với những anh thanh niên vác bó tre, các ông dân quân, các bố tự vệ kia là nguồn nguyên liệu lý tưởng cho tài năng trào phúng kiểu như Vũ Trọng Phụng tha hồ mà tung hoành. Nghĩa là cái thời buổi nhố nhăng, vô nghĩa lý, một tấn đại hài kịch. Hơn nữa, nếu Hoàng sáng tác thì sẽ viết như Vũ Trọng Phụng viết "Số đỏ". Nghĩa là sẽ mang những con người kia ra để làm trò cười, để chế giễu, nhạo báng, lố bịch hóa… Rõ ràng thái độ và nhận thức chính của Hoàng được gửi phần lớn vào tầng ngầm của mỗi phát ngôn.
Cần chú ý đến tầng hàm ngôn, vô ngôn, đấy chính là một mã khóa giúp ta hiểu thực chất tư tưởng và thái độ của Hoàng.
Lần này đến thăm Hoàng, mục đích của Độ là muốn tìm hiểu xem Hoàng đã có gì thay đổi chưa, nếu đã, thì sẽ vận động anh ta tham gia hoạt động cách mạng như mình. Trong những thay đổi, thì quan trọng nhất là tư tưởng. Bấy giờ là thời buổi kháng chiến, nên điều cốt yếu trong tư tưởng chính là nhận thức về đời sống kháng chiến. Hai đối tượng căn bản làm nên đời sống kháng chiến lúc này không phải ai khác hơn là quần chúng và lãnh tụ. Trong mắt Hoàng, cả hai đối tượng này đều là những hình ảnh méo mó, mỗi đằng méo mó theo một kiểu. Quần chúng méo mó bởi miệt thị. Lãnh tụ méo mó bởi sùng bái dễ dãi vô lối.
Trong cái nhìn của Hoàng, quần chúng chỉ là một đám đông hiện ra với mấy "phẩm chất": ngu dốt, tàn nhẫn, ngố và nhặng xị. Ngu đến mức nào? đến chỉ đường cũng không biết cách. Anh thanh niên vác bó tre rõ ràng là thuộc làu con đường lên chợ Huyện, giờ chỉ diễn đạt cho người khác hiểu mà không làm nổi, càng cố diễn đạt càng rối rắm, như tung hỏa mù, người nghe chẳng còn biết đằng nào mà lần. Dẫn chứng ấy hàm ý gì? Đầu óc quần chúng thật thảm hại, cố hoạt động trí tuệ thì tối tăm, ngừng hoạt động trí tuệ thì may ra mới sáng sủa. Ngu đến mức nào nữa? Đến đọc một cái tên cũng không phân biệt được đàn ông đàn bà. "Ông chủ tịch làng này xem giấy của nhà tôi, thấy đề Nguyễn Thục Hiền, cứ nhất định bảo là giấy mượn của đàn ông. Theo ông ấy, thì đàn bà ai cũng phải thị này thị nọ". Không phải vô cớ mà Hoàng (Nam Cao thì đúng hơn) chọn cái tên này để ví dụ. Và cái ý thuộc hàm ngôn, vô ngôn ở đây là gì vậy? Đúng là, nếu tách ra thành "Thục" và "Hiền" thì từng tên ấy có thể đặt cả cho đàn ông lẫn phụ nữ. Nhưng khi ghép lại trong một tên "Thục Hiền" thì chỉ có thể là tên đặt riêng cho phụ nữ thôi. Một cái tên phụ nữ đến thế, một điều sơ đẳng đến thế cũng không biết, cũng có thể nhầm, thì ông nhà văn này thấy thật là ngu hết chịu nổi. Còn ngố thì thế nào? Thì như anh thanh niên vác bó tre. Riêng bó tre đã nặng quá rồi, lại loay hoay mãi mà không chỉ xong đường, nặng thêm bội phần rồi, cũng đã chào nhau để đi rồi, thế mà vẫn còn cứ nán lại đọc bài ba giai đoạn dài đến năm trang giấy. Thế là cực ngố còn gì. Nhưng đó mới chỉ là phía hiển ngôn thôi. Còn tầng hàm ngôn? Chỉ vẽ đường đất còn không nên hồn lại đi tuyên truyền đường lối! Lại nữa, anh là thằng mù chữ, là con vẹt biết nói mà lại dám tuyên truyền tôi là thằng trí thức. Thật là ngược đời, quái dị, thật là ngố hết chỗ nói. Cái ngụ ý ở tầng hàm ngôn như thế mới giải thích được vì sao Hoàng lại có sự khinh bỉ đến mức ấy: "Nỗi khinh bỉ của anh phì cả ra ngoài, theo cái bĩu môi dài thườn thượt. Mũi anh nhăn lại như ngửi thấy mùi xác thối" ! Và khiến anh sẵn sàngchọn lối ứng xử thà mang tiếng là phản động còn hơn là phải cộng tác với những người như vậy (!)
Tuy nhiên, ở phần nhận thức về quần chúng, việc quan tâm đến khía cạnh nhà văn trong ngôn ngữ của Hoàng cũng chưa giúp hiểu thêm anh ta được là bao. Đáng kể là ở nhận thức về lãnh tụ. Trước đến nay, do chưa chú ý đúng mức đến sắc thái này của ngôn ngữ Hoàng mà ta chưa hiểu thực chất về tình cảm cũng như nhận thức của anh ta đối với cụ Hồ. Chúng ta đều tưởng rằng với quần chúng Hoàng miệt thị, còn với lãnh tụ thì Hoàng tin sùng. Nhầm. Hoàng cũng chả yêu cụ Hồ thật sự, chả hiểu cụ Hồ thực sự.
Ngôn ngữ nhân vật đã tiết lộ điều đó.
Những lời tán dương dễ dãi khoa trương của Hoàng xuất phát từ một cái tâm không thật sáng. Tán dương cụ Hồ để thêm một lần nữa dùng lối đề cao một cá nhân mà phủ định đám đông quần chúng."Hồ Chí Minh đáng lẽ phải cứu vãn một nước như thế nào kia, mới xứng tài. Phải cứu một nước như nước mình kể cũng khổ cho ông Cụ lắm". Hoàng nói thế chẳng phải là hàm ý một nước toàn những người như đám quần chúng ngu dốt, ngố và nhặng xị kia không đáng có một lãnh tụ như Hồ Chí Minh. Làm lãnh tụ một nước như thế này thật phí tài cụ Hồ. Tán dương cụ Hồ còn nhằm che đậy thái độ thờ ơ vô trách nhiệm của mình trước sự nghiệp cứu nước chung. Cuộc kháng chiến toàn dân này muốn mau giành thắng lợi cần có sự tham gia, đóng góp của nhiều người. Người có tre, góp tre. Người có chữ, đi dạy bình dân học vụ. Người có khả năng văn nghệ, đi làm công tác tuyên truyền… Có thế, ngày độc lập mới có cơ đến được. Thì Hoàng lại thản nhiên với một giọng đinh ninh: "Tôi cứ cho rằng dù dân mình có tồi đi nữa, ông cụ xoay quanh rồi cứ độc lập như thường". Lại nữa, lời bốc đồng của Hoàng chẳng được đảm bảo bằng một hành động gì. Nghe anh ta nói thì cứ y như Hoàng đã thấy một minh chủ, một vị cứu tinh, một anh hùng cứu quốc chờ đợi đã bao thế kỷ. Để xứng với những lời to tát đó, nhẽ ra người phát biểu cần phải mau chóng vứt bỏ hết mà tìm về đầu quân, tụ nghĩa, làm một người lính chiến đấu dưới ngọn cờ đại nghĩa của cụ Hồ. Nhưng, cuối cùng chỉ là lời nói suông. Nếu cụ Hồ có thân chinh đến vận động chú Hoàng đi kháng chiến, chắc gì chú Hoàng đã đi. (Cứ cung cách ấy, Hoàng có thể mặc cả lắm chứ: đi kháng chiến có chó becgiê không? có tủ buytphê không? có chăn đệm thoang thoảng nước hoa không? có mía ướp hoa bưởi không?… thì e rằng bấy giờ cụ Hồ cũng chả đáp ứng được).
Những lời tán dương ấy cũng xuất phát từ một cái trí chưa thật sáng. Hoàng là trí thức nửa mùa khi hiểu biết chẳng đến đầu đến đũa. Có thể thấy Hoàng hiểu cuộc kháng chiến bấy giờ và cụ Hồ bằng nhỡn quan của một kẻ quá ghiền Tam Quốc. Nghĩa là hoàn toàn xa lạ, lỗi thời, lạc điệu. Dùng Tam quốc để quy chiếu thời đại mới. Đúng là ở thời Tam quốc (nói đúng hơn là cái thời được mô tả trong "Tam quốc chí" của La Quán Trung), vai trò cá nhân quyết định tất cả. Được thua cốt tại tướng. Cục diện chiến trận ăn nhau ở người đứng đầu. Có khi chỉ nhờ ba tấc lưỡi và vài cái mẹo vặt của chủ tướng có thể biến có thành không, chuyển bại thành thắng, đổi nguy thành an. Nhưng thời đại này khác rồi. Đây là thời chiến tranh nhân dân. "Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến" kia mà. Cá nhân xuất chúng là quan trọng nhưng quần chúng mới là quyết định. Nam Cao đã được giác ngộ kỹ lưỡng về những nguyên lý đó của đường lối chiến tranh nhân dân, trường kỳ kháng chiến. Nhưng Hoàng nói thế nào? "Tôi cho rằng cuộc cách mạng tháng Tám cũng như cuộc kháng chiến hiện nay chỉ ăn vì người lãnh đạo cừ". Đinh ninh thế chẳng phải là quá lạc hậu sao?
Nhìn kỹ ta còn thấy: Hoàng không phân biệt anh hùng và gian hùng. Trong Hoàng có lẽ chỉ có một tiêu chuẩn: siêu sao. Nên cả Đờ Gôn, Hồ Chí Minh và Tào Tháo đều được tán dương nồng nhiệt. Sẽ là không ngoa, khi nói rằng: trong cảm nhận của Hoàng, Cụ Hồ cũng chỉ như một Tào Tháo thời hiện đại (đời mới), thế thôi. Không phải vô cớ mà cái Hoàng tán thưởng ồn ào nhất ở cụ Hồ là "cú Hiệp định sơ bộ ngày mồng 6 tháng 3". Nếu cụ Hồ chỉ có tài "xoay quanh" như thế không thôi thì e rằng Hoàng đã hiểu quá sai lạc phiến diện. Tài đức Hồ Chí Minh đâu chỉ có vậy. Mà nhiệt tình dành cho Tào Tháo xem ra còn ồn ào hơn cả dành cho cụ Hồ. Chả thế mà lời tán dương cụ Hồ khi đã ngừng bặt thì chẳng còn dư âm gì. Trong khi đó những dư âm cuối cùng trong tán dương của Hoàng lại thuộc về Tào Tháo. Chung quy, Hoàng đề cập đến cụ Hồ chỉ theo kiểu một người đọc đang thưởng thức một nhân vật tiểu thuyết, không hơn không kém. Rõ ràng, cả tình cảm và nhận thức của Hoàng về cụ Hồ đều thiếu trong sáng và lệch lạc. Chẳng phải anh ta là một tên "bố vấu" điển hình hay sao!
Cũng cần phải thấy thêm rằng, Nam Cao đã mô tả cả lai lịch và quá khứ của Hoàng để cắt nghĩa cho cái nhìn của anh ta. Nghĩa là lý giải Hoàng rất nhất quán và triệt để. Sở dĩ Hoàng nhìn đời như thế vì Hoàng vốn mang một bản chất như thế. Hoàng nhìn đời bằng "đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỷ", vì anh ta vốn là kẻ ích kỷ, vô tình. Chẳng phải thế sao! Độ đã nhớ lại cái lối sống dửng dưng trước nỗi khốn khổ cơ cực của bạn bè trong ngày đói quay đói quắt để nhởn nhơ nuôi con chó becgiê với khẩu phần ăn mỗi ngày hai lạng thịt bò. Nhớ lại cái tật đá bạn. Nhớ lại cái hành động hồi nhộn nhạo sau ngày khởi nghĩa, Hoàng đã ra tờ báo và mang cả những bạn bè ra chửi rủa. Lối sống thể hiện một bản chất, bản chất hiện ra thành cách nhìn. Rồi Hoàng nhìn đời bằng con mắt của một tên "bố vấu", vì Hoàng đúng là một kẻ chỉ đứng ngoài cuộc "không yêu cái gì, không làm việc gì, chỉ giỏi chửi đổng". Tóm lại, đôi mắt của Hoàng thiếu hẳn hai thứ: tình người và nhiệt tình cách mạng. Vì thế không hiểu được bản chất, không nhận ra cái đẹp của con người thời đại mới này. Còn Độ thì ngược lại. Không phải Độ không thấy những hạn chế của đối tượng. Nhưng Độ còn thấy được bản chất tốt đẹp ẩn náu bên trong, nhìn nhận ra vẻ đẹp thời đại. Bởi những lẽ đó mà Nam Cao đã tạo ra một tương phản gay gắt. Cùng một đối tượng là anh thanh niên vác bó tre, nhưng trong mắt Hoàng thì đó là hiện thân cho sự lố bịch của thời đại. Trái lại, trong mắt Độ, nó thực sự hiện ra như vẻ đẹp chân chính của thời đại cách mạng ấy. Nói cách khác, trong mắt Hoàng, cái đẹp lập tức biến thành cái xấu, cái lố bịch; ngược lại, trong mắt Độ, cái đẹp đã hiện ra với diện mạo, chân dung đích thực của nó. Nhờ đâu Độ có được cái nhìn như vậy? Nhờ Độ đã nhìn bằng đôi mắt vừa giàu tình người vừa giàu nhiệt tình cách mạng. Sự tương phản giữa Hoàng và Độ là tương phản giữa chính đề và phản đề. Tựa như tương phản giữa ánh sáng và bóng tối vậy.
Chưa cần nói đến những lời bình luận của Nam Cao (trong vai nhân vật Độ) thể hiện cụ thể mạch triết luận, chỉ cần nói đến tình huống truyện, kiểu nhân vật và ngôn ngữ nhân vật được cá tính hóa rất sâu sắc của Hoàng không thôi, cũng đủ cho ta thấy luận đề đôi mắt được thể hiện theo lối triết luận triệt để như thế nào. Chưa có một quan tâm thật cần thiết, sẽ đáng tiếc như thế nào.
________________________________________
Có thể thấy thêm ngôn ngữ nhân vật Hoàng ở khía cạnh giọng điệu. Một giọng điệu kiêu bạc, bề trên, thậm chí có lúc trịch thượng, xách mé. Nhưng do tính chất của bài viết này, đề cập thêm khía cạnh đó e rằng sẽ bề bộn.
(Source: Chu Văn Sơn - Trường ĐHSP Hà Nội)
No comments:
Post a Comment